1.
Sông Cu Đê còn được gọi là sông Trường Định, nằm ở phía Bắc thành phố Đà Nẵng.
Khởi nguồn từ sông Bắc và sông Nam của dãy Trường Sơn, khi chảy đến Cầu Sập
(thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) thì hợp lưu tạo thành sông
Cu Đê. Từ đây, sông chảy theo hướng Tây Đông, qua huyện Hòa Vang và quận Liên
Chiểu, rồi đổ ra Biển Đông tại cửa Nam Ô cách chân đèo Hải
Vân khoảng 5 km.
2.
Dưới thời Champa, người Chăm đã trú ngụ ở cửa sông Cu Đê. Họ xây dựng đền tháp
để thờ những vị thần trong tín ngưỡng của mình, đồng thời dựa vào hình thế ven
sông ven biển để sản xuất nông nghiệp và giong buồm ra khơi đánh bắt thủy hải sản,
buôn bán… Hiện nay, ở vùng cửa sông Cu Đê vẫn còn hiện diện dấu ấn của cư dân
Champa xưa như: phế tích tháp Champa Xuân Dương và nhiều giếng Champa thuộc
làng Nam Ô.
Ở hai
bên bờ vùng hạ nguồn sông Cu Đê, những lớp cư dân người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ
vào đây định cư theo cuộc hành trình Nam tiến của dân tộc Việt. Họ đã dày công
khai phá để dựng nên làng xã, lập ra chợ búa để trao đổi, buôn bán và làm nhiều
ngành nghề khác nhau để sinh sống. Còn ở đầu nguồn Cu Đê, tại các thôn Tà Lang,
Giàn Bí (xã Hòa Bắc), khu vực có sông Cu Đê chảy qua, là nơi sống tập trung của
hơn 600 người Cơ Tu.
Dưới
thời các chúa Nguyễn, sông Cu Đê là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng
về cuộc nội chiến tương tàn. Dưới thời Tây Sơn, sông Cu Đê cũng là nơi diễn ra
những sự kiện lịch sử gắn với bước chân Bắc tiến của anh em Nguyễn Huệ. Trải
qua thời gian, dòng sông này không chỉ ghi dấu những cột mốc quan trọng trong lịch
sử từ nhiều thế kỷ trước, mà ngày nay ở ven sông còn hiện diện nhiều công trình
kiến trúc cổ, phong phú về loại hình, có giá trị về mặt lịch sử, khoa học và
nghệ thuật như phế tích tháp Champa Xuân Dương, giếng vuông Nam Ô, đình Trung
Nghĩa, đình Hòa Phú, đình Nam Ô, đình Xuân Dương, mộ tiền hiền Nam Ô, nhà thờ tộc
Mai, nhà thờ tổ nghề, nhà cổ… mang những nét rêu phong, cổ kính, được xây dựng
vào các thế kỷ trước.
Ngoài
di sản văn hóa vật thể, ven sông Cu Đê còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật
thể gắn liền với đời sống cư dân địa phương như phong tục, lễ hội và văn hóa
dân gian, tiêu biểu như tục thờ cúng Thành Hoàng làng, thờ cúng tổ tiên, lễ Tết
Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, lễ tế Âm linh, lễ hội Cầu ngư. Hàng năm vào ngày 9
tháng Giêng âm lịch, chính quyền và nhân dân quận Liên Chiểu thường tổ chức lễ
hội đua thuyền trên sông Cu Đê nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội
thu, đồng thời cũng nhằm mục đích vui xuân, đã thu hút đông đảo người dân và du
khách tham gia. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức các món ăn chế biến từ
hải sản nổi tiếng như gỏi cá Nam Ô, mứt biển Nam Ô, cá đối Nam Ô, nước mắm Nam
Ô, cua đá, bào ngư… để rồi khi bước chân ra đi vẫn còn mang theo hương vị đặc
trưng của ẩm thực nơi đây.
Đặc
biệt cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông vẫn mang đầy vẻ hoang sơ, hữu tình.
Dọc theo sông từ phía thượng nguồn là những ngọn núi cao trập trùng soi bóng xuống
dòng sông tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên xanh ngắt, bồng bềnh, thơ mộng. Xuôi
về phía hạ lưu, hai bên bờ sông thấp thoáng những mái nhà ẩn mình trong những tán
cây, với những cánh đồng, bãi bồi trồng hoa màu, những chiếc thuyền con nằm gối
đầu trên bãi, những giàn rớ lưới trên sông… tạo nên khung cảnh yên bình, tĩnh lặng
và thật giản dị, rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái.
3.
Ngày nay, để phát triển du lịch sông Cu Đê, theo chúng tôi thành phố cần:
Xây
dựng các loại hình, sản phẩm du lịch trên mặt nước, dưới mặt nước và hai bên bờ
sông Cu Đê, góp phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch,
khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của sông Cu Đê.
Kết
nối du lịch sinh thái với các hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh, di tích
lịch sử - văn hóa, các hoạt động lễ hội; hoặc tham gia vào các hoạt động du lịch
cộng đồng với cư dân địa phương ở hai bên dòng sông; hoặc cũng có thể dừng chân
tham gia câu cá, kéo rớ trên sông... Để làm được điều này, thành phố cần thiết
lập một hệ thống các trạm dừng chân trên bờ để du khách có thể dừng chân thưởng
ngoạn phong cảnh hoặc tham gia vào các hoạt động sản xuất, thưởng thức ẩm thực,
tham quan di tích… nhằm tạo nên sự phong phú và hấp dẫn cho hành trình du lịch
sinh thái ven sông Cu Đê. Đặc biệt, phải có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp,
có ngoại ngữ vững vàng, có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa, về vùng đất,
con người gắn với sông Cu Đê để có thể giới thiệu được cho du khách những sự kiện
lịch sử trọng đại đã từng diễn ra trên dòng sông này. Bên cạnh đó, cần tổ chức
các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân bản địa, từ đó hình thành nên
mạng lưới hướng dẫn viên không chuyên nhưng am hiểu về địa phương.
Phát
huy hơn nữa việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông
nước. Đặc biệt là các lễ hội Cầu ngư, lễ hội đua thuyền trên sông Cu Đê… Đồng
thời cần giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác các tuyến
du lịch trên sông như biến đổi cảnh quan hai bên bờ, ảnh hưởng đến công dụng của
dòng sông, chuyển đổi ngành nghề cho người dân hai bên bờ sông. Tại các địa điểm
du lịch cũng cần xây dựng nhà vệ sinh, khu nghỉ ngơi, bãi đỗ xe, khu mua sắm, ẩm
thực cho du khách.
Cần
nghiên cứu sâu về điều kiện môi trường, thủy văn khu vực để có thể dự báo, đánh
giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường một cách cụ thể, đảm bảo tính bền vững
trong việc phát triển du lịch trong tương lai. Tăng cường giáo dục và nâng
cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ bảo vệ môi trường, qua đó
nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc
xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục tác động tiêu cực
đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống
các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
Cần lập website để tuyên truyền, giới thiệu tuyến
du lịch sông Cu Đê. Đồng thời, phát hành tờ rơi giới thiệu tuyến du lịch sông
Cu Đê tại các ga tàu lửa, ga hàng không, cũng như giới thiệu trên truyền hình,
báo chí. Đặc biệt, sông Cu Đê là chứng nhân lịch sử dưới thời chúa Nguyễn, Tây
Sơn… nên chăng cần đặt hàng các nhà văn, biên kịch, đạo diễn phim… cho ra đời
những tác phẩm nghệ thuật như tiểu thuyết lịch sử, phim dã sử… để có thể tái hiện
lại những sự kiện đã từng diễn ra trên dòng sông này nhằm thu hút sự quan tâm,
kích thích trí tò mò của du khách tìm đến với Cu Đê (?).
4.
Sông Cu Đê là một trong những dòng sông đẹp của thành phố Đà Nẵng, chảy từ dãy
Trường Sơn nhoài mình ra biển. Qua mỗi địa phương, sông lại mang thêm những tên
gọi khác nhau. Dòng sông hiền hòa ấy đã chứng kiến biết bao trận nội chiến cũng
như thư hùng của các thế lực phong kiến và đã dưỡng nuôi biết bao thế hệ người
dân ở hai bên bờ. Ngày nay, khi du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì
việc quan tâm khai thác sông Cu Đê sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời
sống của người dân nơi đây.
Cụ
thể, việc khai thác dịch vụ du lịch trên sông không chỉ đóng vai trò khôi phục,
bảo tồn và phát huy những giá trị cảnh quan tự nhiên, các
giá trị nhân văn, lịch sử - văn hóa của sông Cu Đê nhằm thỏa mãn nhu cầu tham
quan đa dạng của du khách, gia tăng số ngày lưu trú, tạo sự hấp dẫn thu hút du
khách quay lại nhiều lần, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập
cho người dân tại những nơi hình thành các tour du lịch này.
Đinh
Thị Trang