Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

THỜI CỦA DU LỊCH CHIA SẺ


Gõ cụm từ “Chia sẻ kinh nghiệm du lịch”, trong vòng chưa tròn 1 giây,  Google trả về gần 100 triệu kết quả; tương tự với cụm từ “Chia sẻ dịch vụ du lịch” là hơn 200 triệu phản hồi. Chưa bao giờ việc kết nối những người yêu du lịch trên khắp thế giới lại dễ dàng và nhanh chóng đến thế. Cũng chưa khi nào cộng đồng du lịch lại cởi mở và thoải mái như thời điểm hiện tại, khi công nghệ 4.0 thực sự đã tạo ra những điểm chạm vượt xa mọi mong đợi.
Chia sẻ thông tin
Thời đại Internet đã tác động và làm đổi thay mạnh mẽ cách mọi người thiết kế, trải nghiệm các chuyến đi du lịch. Thay vì chỉ hỏi ý kiến những người thân quen như trước đây, ngày nay chúng ta có vô vàn cơ hội tham khảo nhiều nguồn thông tin đa dạng hơn trên các website, nền tảng du lịch online, lắng nghe đánh giá từ những người đi trước,…Thông thường, một chuyến đi du lịch giờ đây sẽ trải qua 5 bước: Lựa chọn điểm đến; xây dựng kế hoạch; đặt các dịch vụ liên quan như vé máy bay, khách sạn; trải nghiệm chuyến đi; và cuối cùng là đánh giá, chia sẻ xuyên suốt hành trình hoặc sau khi trở về. "Có một vấn đề đặc biệt là những chia sẻ ở bước 5 lại góp phần rất quan trọng cho việc chọn lựa tour du lịch ở bước 1", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra nhận định trên tại sự kiện “Ngày du lịch trực tuyến – Vietnam Online Tourism Day 2019”.
Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch. Cũng theo số liệu từ một nghiên cứu gần đây, có tới 35% người Việt lựa chọn địa điểm du lịch dựa vào ý kiến của những người đi trước. Đặc biệt, nếu tính riêng trong nhóm đối tượng từ 18-24 tuổi, tỷ lệ này là 38%. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra một vài số liệu đáng chú ý: Với sự phát triển của Internet và thiết bị di động, có tới 70% khách chia sẻ kinh nghiệm du lịch ngay trên mạng; 20% người trẻ được truyền cảm hứng từ các chiến dịch online, hay thậm chí 87% thanh niên đi du lịch coi điện thoại thông minh là công cụ tất yếu... Điều này cho thấy việc chia sẻ trên mạng Internet đã tạo ra những nhận thức hay thậm chí định hình về du lịch, đó cũng là một thách thức với các điểm đến, các công ty lữ hành dịch vụ và cả với du khách khi họ phải tỉnh táo để lựa chọn thông tin chính xác và phù hợp.
Trong một thời đại mà thông tin, hình ảnh tại điểm du lịch có thể được chia sẻ cho tất cả mọi người ở mọi lúc, mọi nơi với tốc độ “chóng mặt”, kích thích nhu cầu và thổi bùng đam mê du lịch, thì mọi ranh giới khác dường như bị xóa nhòa. Từ những bức hình, bài viết hay thông tin được “share”, “like” qua Facebook, Zalo, Instagram, các địa điểm du lịch mới lạ với chất lượng dịch vụ tốt sẽ ngay lập tức tạo trào lưu, hiệu ứng đám đông. Instagram, Twitter hiện còn giúp kết nối những người yêu du lịch trên thế giới qua các “hashtag. Dấu hiệu để nhận biết “hashtag” đó là các cụm từ theo sau dấu # xuất hiện trong một lời bình luận, một trạng thái nào đó. Đây được xem là công cụ chuyên chở thông điệp cực kỳ hiệu quả và chính là chìa khóa dẫn đường cho những người có cùng chung đam mê, sở thích hay thói quen tìm đến và chia sẻ với nhau trên thế giới mạng.
Chia sẻ dịch vụ
Những năm gần đây, xu hướng người Việt đi du lịch tự túc và sử dụng công nghệ hỗ trợ để lập kế hoạch, đặt các dịch vụ trực tuyến ngày càng tăng. 90% người được hỏi cho biết họ sử dụng các kênh trực tuyến nhằm tìm kiếm thông tin và dịch vụ cho chuyến đi. Các ứng dụng mới giúp người dùng có thể tự lên kế hoạch cho hành trình của mình và dễ dàng đặt trước các dịch vụ từ vé máy bay, phương tiện vận chuyển đưa đón, tham quan ngắm cảnh, “voucher” ăn uống tại khắp nơi trên thế giới. Xu hướng du lịch cởi mở này không chỉ dừng lại ngay trước chuyến đi mà kéo dài trong suốt hành trình và gần như không có sự ngắt quãng nào. Việc kết nối internet để tìm kiếm, chia sẻ các dịch vụ du lịch cho khách tại điểm đến cũng thật dễ dàng với các dịch vụ mua bán hoặc cho thuê thiết bị phát wifi, sim card. Thậm chí du khách có thể lên mạng giữa trời Âu, trên núi hay giữa sa mạc. 
Một giải pháp cung ứng dịch vụ phòng ở hoặc căn hộ dạng “homestay” đang được các bạn trẻ ưa chuộng là Airbnb. Theo đó, khách có thể đặt phòng, đọc kinh nghiệm chia sẻ của những người đã dùng trước trên mạng; chọn các phòng có chương trình ưu đãi để có giá rẻ. Khách cũng có thể chọn khu vực ưa thích: Nhiều khu mua sắm hay gần di tích nổi tiếng, ở gần sân bay, nhà ga, khu thương mại… Hệ thống của các trang này hoạt động rất nhanh và chính xác, việc đặt phòng của khách du lịch chỉ gói gọn trong những cú click chuột. “Home sharing” - dịch vụ chia sẻ nơi lưu trú là mô hình phổ biến trong ngành du lịch hiện nay. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị đến Đà Nẵng, bạn có thể kết nối trực tiếp với người đang có phòng hoặc căn hộ “nhàn rỗi” tại thành phố đó để thuê, thông qua các ứng dụng công nghệ. Theo báo cáo của AirDNA, công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, thị trường homestay (nhà ở có phòng cho du khách thuê) tại Việt Nam đang tăng trưởng gấp 5-6 lần về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng hơn 40% về nguồn cung. Thị trường “home-sharing” Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh nhất khu vực gắn với tốc độ phát triển của ngành du lịch và sự hỗ trợ tối đa của công nghệ.
Tương tự, những hình thức chia sẻ phương tiện di chuyển, bữa ăn hay các dịch vụ vui chơi, thể thao, khám phá cũng được các tín đồ du lịch trên khắp thế giới ưa chuộng…Những mô hình dịch vụ mới như sở hữu kỳ nghỉ cũng góp phần không nhỏ trong việc gia tăng trải nghiệm của du khách với các dịch vụ cao cấp. Du khách có thể mua trọn gói lưu trú trong nhiều năm tại một khu nghỉ dưỡng, khách sạn (thường là 4-5 sao) với chi phí có thể tiết kiệm 50-70% so với giá niêm yết. Tất nhiên, ít người có nhu cầu ở thường xuyên hàng năm tại một nơi duy nhất, nên các gia đình hoặc cá nhân kết hợp và chia sẻ với nhau để trải nghiệm những kỳ nghỉ dưỡng đẳng cấp. Hiện nay tổ chức RCI (viết tắt của Resort Condominiums International) đang được xem là mạng lưới trao đổi kỳ nghỉ lớn nhất thế giới với hơn 4.300 khu nghỉ dưỡng và khách sạn hạng sang tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 “Chia sẻ” điểm đến
“Công nghệ thực tế ảo (VR)” - khái niệm miêu tả một môi trường mô phỏng qua màn hình máy tính hoặc trên các thiết bị chuyên dụng khác đang khá được quan tâm trong lĩnh vực du lịch. Ngày nay, chiếc điện thoại thông minh gần như đã trở thành vật bất ly thân trong các chuyến đi, đặc biệt với các bạn trẻ. Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp về nền tảng lữ hành trên điện thoại đang đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện, để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất qua công nghệ VR. Ở đó không chỉ có hình ảnh chân thực sắc nét, mà còn là những âm thanh gần gũi sống động mang trọn không gian thực tế hiện hữu trước mắt du khách.
Hiện nay, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã quan tâm và áp dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch - lữ hành. Điều này đã góp phần mang lại những trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời cho người đam mê du lịch, giúp họ khám phá những điểm đến “trong mơ”. Ví dụ, bạn muốn đi du lịch khắp các quốc gia trên thế giới, hay đơn giản đi hết những danh lam thắng cảnh tại Việt Nam. Chỉ cần tìm tên địa điểm mà bạn muốn tới, sau đó nhấp lệnh, mọi không gian như Đà Nẵng, Hội An, Ninh Bình, Tokyo, Paris… hay thậm chí là dưới đại dương xanh thẳm hoặc đỉnh Everest cao vút sẽ ở ngay trước mắt. Công nghệ thực tế ảo cũng hỗ trợ cung cấp cho khách hàng những hình ảnh trực quan về cảnh quan, môi trường, chất lượng của các khu nghỉ dưỡng, phòng khách sạn hay những điểm vui chơi, giải trí… Trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, công nghệ này càng phát huy tác dụng khi hỗ trợ việc thực hiện các “tour du lịch trực tuyến” trên toàn thế giới. Bạn hoàn toàn có thể dạo quanh Bảo tàng Louvre hoa lệ hay nhìn ngắm các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Georgia O’Keefe hoặc xem vở Carmen từ Nhà hát Opera trung ương mà không có gì trở ngại. Điều này giúp đời sống văn hóa, du lịch vẫn được duy trì và giải tỏa căng thẳng cho con người ở những giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Hà Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét