Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

“HẠ CÁNH NƠI THỤY SĨ”

Có nhiều cách để trải nghiệm vẻ đẹp tuyệt vời của một vùng đất, xứ sở mà không nhất thiết phải đặt chân được đến đó. “Du lịch qua ảnh” là nơi chúng tôi mong muốn chia sẻ với bạn đọc những bộ ảnh đẹp, sống động đến từng chi tiết về những điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và Thế giới, qua ống kính của những người đam mê du lịch và nhiếp ảnh. Sự kỳ diệu của cảnh quan thiên nhiên là vô tận, nhưng hoàn toàn có thể thu bé lại, vừa vặn với cảm xúc của mỗi người, từ chính những trang giấy này; Và đôi khi, thúc giục người xem hối hả muốn lên đường…

Thụy Sĩ vốn đã quá nổi tiếng về thiên nhiên hùng vĩ và tươi đẹp, với những dòng sông êm đềm, những ngọn núi tuyết phủ và cảnh đẹp thiên đường của những vùng ngoại ô thanh bình nhất Châu Âu. 65% diện tích quốc gia này được bao bọc quanh dãy Alps, một trong những dãy núi đẹp nhất thế giới. Không những vậy, nơi đây còn sở hữu vô số những hồ nước lớn nhỏ với cảnh vật như tranh, soi bóng những ngọn núi xa xa và những đồng cỏ xanh tươi. Theo khảo sát của một cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc, Thụy Sĩ là đất nước hạnh phúc nhất thế giới. Con người ở đây sống vui vẻ, nhiều sức khỏe cũng bởi được đắm mình trong khung cảnh thiên thiên tuyệt đẹp.
Đỉnh Titlis trên dãy Apls được mệnh danh là ngọn núi thần tiên bởi không gian tuyết trắng bao la. Đồng hành cùng tuyến cáp treo lên đỉnh Titlis là một hành trình ngoạn cảnh thú vị. Nếu đến Titlis vào hè sẽ cảm nhận rõ vẻ đẹp khác biệt, bắt đầu từ thảm xanh cỏ hoa, càng đi lên cao, cảnh quan chuyển dần sang một màu tuyết trắng của sông băng lượn quanh đỉnh Titlis.
Nằm dưới chân đỉnh núi thần tiên Titlis, mang vẻ đẹp hoang sơ cổ kính, Engelberg, ngôi làng nhỏ trong thung lũng được xem là nơi thiên thần trú ngụ. Đến với ngôi làng thiên đường, bạn sẽ được nhẹ lướt trên những ngọn đồi xanh bát ngát, hít căng lồng ngực không khí trong lành. Engelberg cũng là cửa ngõ cho các hành trình khám phá vẻ đẹp trên đỉnh Titlis bằng phương tiện cáp treo mà người Engelberg đã thiết lập từ 1912. Với dân số chỉ khoảng 4.000 người nhưng ngôi làng cổ này lại đón tiếp hằng năm đến hơn triệu lượt khách du lịch. 
Cây cầu Chapel dài 240 mét, bắc qua con sông Reuss của thành phố Lucerne, ở miền trung Thụy Sỹ là cây cầu gỗ cổ xưa nhất châu Âu và cũng là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất của Thụy Sỹ. Cầu gỗ Chapel được thiết kế và xây dựng vào năm 1333 nhằm bảo vệ thành phố Lucerne chống lại các cuộc tấn công. Là một bộ phận nổi bật trong toàn bộ hệ thống cầu gỗ Chapel, Wasserturm (Water tower) là tòa tháp hình bát giác cao 140 m, được xây dựng bằng gạch. Trước kia, nơi đây là nhà tù, phòng tra khảo, kho bạc và nơi quan sát. Ngày nay, tòa tháp Wasserturm (Water Tower) và cây cầu gỗ Chapel được xem như là biểu tượng của Thụy Sỹ và thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.
Thụy Sĩ còn nổi tiếng với những con đường quê mang vẻ đẹp tựa như trong cổ tích. Đó là những con đường quanh co uốn lượn, những ngôi nhà nhỏ bé, xinh xắn dưới chân đồi, những cánh đồng xanh ngắt kéo dài ngút ngàn...tất cả tạo nên một khung cảnh nên thơ và rất đỗi yên bình.
Photographer: Nguyễn Ngọc Vinh

PHÁT TRIỂN DU LỊCH SÔNG CU ĐÊ


1. Sông Cu Đê còn được gọi là sông Trường Định, nằm ở phía Bắc thành phố Đà Nẵng. Khởi nguồn từ sông Bắc và sông Nam của dãy Trường Sơn, khi chảy đến Cầu Sập (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) thì hợp lưu tạo thành sông Cu Đê. Từ đây, sông chảy theo hướng Tây Đông, qua huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu, rồi đổ ra Biển Đông tại cửa Nam Ô cách chân đèo Hải Vân khoảng 5 km.
2. Dưới thời Champa, người Chăm đã trú ngụ ở cửa sông Cu Đê. Họ xây dựng đền tháp để thờ những vị thần trong tín ngưỡng của mình, đồng thời dựa vào hình thế ven sông ven biển để sản xuất nông nghiệp và giong buồm ra khơi đánh bắt thủy hải sản, buôn bán… Hiện nay, ở vùng cửa sông Cu Đê vẫn còn hiện diện dấu ấn của cư dân Champa xưa như: phế tích tháp Champa Xuân Dương và nhiều giếng Champa thuộc làng Nam Ô.
Ở hai bên bờ vùng hạ nguồn sông Cu Đê, những lớp cư dân người Việt từ đồng bằng Bắc Bộ vào đây định cư theo cuộc hành trình Nam tiến của dân tộc Việt. Họ đã dày công khai phá để dựng nên làng xã, lập ra chợ búa để trao đổi, buôn bán và làm nhiều ngành nghề khác nhau để sinh sống. Còn ở đầu nguồn Cu Đê, tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc), khu vực có sông Cu Đê chảy qua, là nơi sống tập trung của hơn 600 người Cơ Tu.
Dưới thời các chúa Nguyễn, sông Cu Đê là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng về cuộc nội chiến tương tàn. Dưới thời Tây Sơn, sông Cu Đê cũng là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử gắn với bước chân Bắc tiến của anh em Nguyễn Huệ. Trải qua thời gian, dòng sông này không chỉ ghi dấu những cột mốc quan trọng trong lịch sử từ nhiều thế kỷ trước, mà ngày nay ở ven sông còn hiện diện nhiều công trình kiến trúc cổ, phong phú về loại hình, có giá trị về mặt lịch sử, khoa học và nghệ thuật như phế tích tháp Champa Xuân Dương, giếng vuông Nam Ô, đình Trung Nghĩa, đình Hòa Phú, đình Nam Ô, đình Xuân Dương, mộ tiền hiền Nam Ô, nhà thờ tộc Mai, nhà thờ tổ nghề, nhà cổ… mang những nét rêu phong, cổ kính, được xây dựng vào các thế kỷ trước.
Ngoài di sản văn hóa vật thể, ven sông Cu Đê còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể gắn liền với đời sống cư dân địa phương như phong tục, lễ hội và văn hóa dân gian, tiêu biểu như tục thờ cúng Thành Hoàng làng, thờ cúng tổ tiên, lễ Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, lễ tế Âm linh, lễ hội Cầu ngư. Hàng năm vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch, chính quyền và nhân dân quận Liên Chiểu thường tổ chức lễ hội đua thuyền trên sông Cu Đê nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời cũng nhằm mục đích vui xuân, đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Đặc biệt, du khách còn được thưởng thức các món ăn chế biến từ hải sản nổi tiếng như gỏi cá Nam Ô, mứt biển Nam Ô, cá đối Nam Ô, nước mắm Nam Ô, cua đá, bào ngư… để rồi khi bước chân ra đi vẫn còn mang theo hương vị đặc trưng của ẩm thực nơi đây.
Đặc biệt cảnh quan thiên nhiên hai bên bờ sông vẫn mang đầy vẻ hoang sơ, hữu tình. Dọc theo sông từ phía thượng nguồn là những ngọn núi cao trập trùng soi bóng xuống dòng sông tạo nên một cảnh sắc thiên nhiên xanh ngắt, bồng bềnh, thơ mộng. Xuôi về phía hạ lưu, hai bên bờ sông thấp thoáng những mái nhà ẩn mình trong những tán cây, với những cánh đồng, bãi bồi trồng hoa màu, những chiếc thuyền con nằm gối đầu trên bãi, những giàn rớ lưới trên sông… tạo nên khung cảnh yên bình, tĩnh lặng và thật giản dị, rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái.
3. Ngày nay, để phát triển du lịch sông Cu Đê, theo chúng tôi thành phố cần:
Xây dựng các loại hình, sản phẩm du lịch trên mặt nước, dưới mặt nước và hai bên bờ sông Cu Đê, góp phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của sông Cu Đê.
Kết nối du lịch sinh thái với các hoạt động tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, các hoạt động lễ hội; hoặc tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng với cư dân địa phương ở hai bên dòng sông; hoặc cũng có thể dừng chân tham gia câu cá, kéo rớ trên sông... Để làm được điều này, thành phố cần thiết lập một hệ thống các trạm dừng chân trên bờ để du khách có thể dừng chân thưởng ngoạn phong cảnh hoặc tham gia vào các hoạt động sản xuất, thưởng thức ẩm thực, tham quan di tích… nhằm tạo nên sự phong phú và hấp dẫn cho hành trình du lịch sinh thái ven sông Cu Đê. Đặc biệt, phải có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, có ngoại ngữ vững vàng, có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa, về vùng đất, con người gắn với sông Cu Đê để có thể giới thiệu được cho du khách những sự kiện lịch sử trọng đại đã từng diễn ra trên dòng sông này. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân bản địa, từ đó hình thành nên mạng lưới hướng dẫn viên không chuyên nhưng am hiểu về địa phương.
Phát huy hơn nữa việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch gắn với sông nước. Đặc biệt là các lễ hội Cầu ngư, lễ hội đua thuyền trên sông Cu Đê… Đồng thời cần giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong quá trình khai thác các tuyến du lịch trên sông như biến đổi cảnh quan hai bên bờ, ảnh hưởng đến công dụng của dòng sông, chuyển đổi ngành nghề cho người dân hai bên bờ sông. Tại các địa điểm du lịch cũng cần xây dựng nhà vệ sinh, khu nghỉ ngơi, bãi đỗ xe, khu mua sắm, ẩm thực cho du khách.
Cần nghiên cứu sâu về điều kiện môi trường, thủy văn khu vực để có thể dự báo, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến môi trường một cách cụ thể, đảm bảo tính bền vững trong việc phát triển du lịch trong tương lai. Tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư về gìn giữ bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trong việc xử lý các loại chất thải phát sinh, khắc phục tác động tiêu cực đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, phòng chống các tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
 Cần lập website để tuyên truyền, giới thiệu tuyến du lịch sông Cu Đê. Đồng thời, phát hành tờ rơi giới thiệu tuyến du lịch sông Cu Đê tại các ga tàu lửa, ga hàng không, cũng như giới thiệu trên truyền hình, báo chí. Đặc biệt, sông Cu Đê là chứng nhân lịch sử dưới thời chúa Nguyễn, Tây Sơn… nên chăng cần đặt hàng các nhà văn, biên kịch, đạo diễn phim… cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật như tiểu thuyết lịch sử, phim dã sử… để có thể tái hiện lại những sự kiện đã từng diễn ra trên dòng sông này nhằm thu hút sự quan tâm, kích thích trí tò mò của du khách tìm đến với Cu Đê (?).
4. Sông Cu Đê là một trong những dòng sông đẹp của thành phố Đà Nẵng, chảy từ dãy Trường Sơn nhoài mình ra biển. Qua mỗi địa phương, sông lại mang thêm những tên gọi khác nhau. Dòng sông hiền hòa ấy đã chứng kiến biết bao trận nội chiến cũng như thư hùng của các thế lực phong kiến và đã dưỡng nuôi biết bao thế hệ người dân ở hai bên bờ. Ngày nay, khi du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì việc quan tâm khai thác sông Cu Đê sẽ góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống của người dân nơi đây.
Cụ thể, việc khai thác dịch vụ du lịch trên sông không chỉ đóng vai trò khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị cảnh quan tự nhiên, các giá trị nhân văn, lịch sử - văn hóa của sông Cu Đê nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan đa dạng của du khách, gia tăng số ngày lưu trú, tạo sự hấp dẫn thu hút du khách quay lại nhiều lần, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại những nơi hình thành các tour du lịch này.
Đinh Thị Trang

THỜI CỦA DU LỊCH CHIA SẺ


Gõ cụm từ “Chia sẻ kinh nghiệm du lịch”, trong vòng chưa tròn 1 giây,  Google trả về gần 100 triệu kết quả; tương tự với cụm từ “Chia sẻ dịch vụ du lịch” là hơn 200 triệu phản hồi. Chưa bao giờ việc kết nối những người yêu du lịch trên khắp thế giới lại dễ dàng và nhanh chóng đến thế. Cũng chưa khi nào cộng đồng du lịch lại cởi mở và thoải mái như thời điểm hiện tại, khi công nghệ 4.0 thực sự đã tạo ra những điểm chạm vượt xa mọi mong đợi.
Chia sẻ thông tin
Thời đại Internet đã tác động và làm đổi thay mạnh mẽ cách mọi người thiết kế, trải nghiệm các chuyến đi du lịch. Thay vì chỉ hỏi ý kiến những người thân quen như trước đây, ngày nay chúng ta có vô vàn cơ hội tham khảo nhiều nguồn thông tin đa dạng hơn trên các website, nền tảng du lịch online, lắng nghe đánh giá từ những người đi trước,…Thông thường, một chuyến đi du lịch giờ đây sẽ trải qua 5 bước: Lựa chọn điểm đến; xây dựng kế hoạch; đặt các dịch vụ liên quan như vé máy bay, khách sạn; trải nghiệm chuyến đi; và cuối cùng là đánh giá, chia sẻ xuyên suốt hành trình hoặc sau khi trở về. "Có một vấn đề đặc biệt là những chia sẻ ở bước 5 lại góp phần rất quan trọng cho việc chọn lựa tour du lịch ở bước 1", ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đưa ra nhận định trên tại sự kiện “Ngày du lịch trực tuyến – Vietnam Online Tourism Day 2019”.
Thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần. Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch. Cũng theo số liệu từ một nghiên cứu gần đây, có tới 35% người Việt lựa chọn địa điểm du lịch dựa vào ý kiến của những người đi trước. Đặc biệt, nếu tính riêng trong nhóm đối tượng từ 18-24 tuổi, tỷ lệ này là 38%. Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng chỉ ra một vài số liệu đáng chú ý: Với sự phát triển của Internet và thiết bị di động, có tới 70% khách chia sẻ kinh nghiệm du lịch ngay trên mạng; 20% người trẻ được truyền cảm hứng từ các chiến dịch online, hay thậm chí 87% thanh niên đi du lịch coi điện thoại thông minh là công cụ tất yếu... Điều này cho thấy việc chia sẻ trên mạng Internet đã tạo ra những nhận thức hay thậm chí định hình về du lịch, đó cũng là một thách thức với các điểm đến, các công ty lữ hành dịch vụ và cả với du khách khi họ phải tỉnh táo để lựa chọn thông tin chính xác và phù hợp.
Trong một thời đại mà thông tin, hình ảnh tại điểm du lịch có thể được chia sẻ cho tất cả mọi người ở mọi lúc, mọi nơi với tốc độ “chóng mặt”, kích thích nhu cầu và thổi bùng đam mê du lịch, thì mọi ranh giới khác dường như bị xóa nhòa. Từ những bức hình, bài viết hay thông tin được “share”, “like” qua Facebook, Zalo, Instagram, các địa điểm du lịch mới lạ với chất lượng dịch vụ tốt sẽ ngay lập tức tạo trào lưu, hiệu ứng đám đông. Instagram, Twitter hiện còn giúp kết nối những người yêu du lịch trên thế giới qua các “hashtag. Dấu hiệu để nhận biết “hashtag” đó là các cụm từ theo sau dấu # xuất hiện trong một lời bình luận, một trạng thái nào đó. Đây được xem là công cụ chuyên chở thông điệp cực kỳ hiệu quả và chính là chìa khóa dẫn đường cho những người có cùng chung đam mê, sở thích hay thói quen tìm đến và chia sẻ với nhau trên thế giới mạng.
Chia sẻ dịch vụ
Những năm gần đây, xu hướng người Việt đi du lịch tự túc và sử dụng công nghệ hỗ trợ để lập kế hoạch, đặt các dịch vụ trực tuyến ngày càng tăng. 90% người được hỏi cho biết họ sử dụng các kênh trực tuyến nhằm tìm kiếm thông tin và dịch vụ cho chuyến đi. Các ứng dụng mới giúp người dùng có thể tự lên kế hoạch cho hành trình của mình và dễ dàng đặt trước các dịch vụ từ vé máy bay, phương tiện vận chuyển đưa đón, tham quan ngắm cảnh, “voucher” ăn uống tại khắp nơi trên thế giới. Xu hướng du lịch cởi mở này không chỉ dừng lại ngay trước chuyến đi mà kéo dài trong suốt hành trình và gần như không có sự ngắt quãng nào. Việc kết nối internet để tìm kiếm, chia sẻ các dịch vụ du lịch cho khách tại điểm đến cũng thật dễ dàng với các dịch vụ mua bán hoặc cho thuê thiết bị phát wifi, sim card. Thậm chí du khách có thể lên mạng giữa trời Âu, trên núi hay giữa sa mạc. 
Một giải pháp cung ứng dịch vụ phòng ở hoặc căn hộ dạng “homestay” đang được các bạn trẻ ưa chuộng là Airbnb. Theo đó, khách có thể đặt phòng, đọc kinh nghiệm chia sẻ của những người đã dùng trước trên mạng; chọn các phòng có chương trình ưu đãi để có giá rẻ. Khách cũng có thể chọn khu vực ưa thích: Nhiều khu mua sắm hay gần di tích nổi tiếng, ở gần sân bay, nhà ga, khu thương mại… Hệ thống của các trang này hoạt động rất nhanh và chính xác, việc đặt phòng của khách du lịch chỉ gói gọn trong những cú click chuột. “Home sharing” - dịch vụ chia sẻ nơi lưu trú là mô hình phổ biến trong ngành du lịch hiện nay. Ví dụ, nếu bạn chuẩn bị đến Đà Nẵng, bạn có thể kết nối trực tiếp với người đang có phòng hoặc căn hộ “nhàn rỗi” tại thành phố đó để thuê, thông qua các ứng dụng công nghệ. Theo báo cáo của AirDNA, công ty chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới, thị trường homestay (nhà ở có phòng cho du khách thuê) tại Việt Nam đang tăng trưởng gấp 5-6 lần về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua, cao hơn rất nhiều so với ngành khách sạn truyền thống chỉ tăng trưởng hơn 40% về nguồn cung. Thị trường “home-sharing” Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh nhất khu vực gắn với tốc độ phát triển của ngành du lịch và sự hỗ trợ tối đa của công nghệ.
Tương tự, những hình thức chia sẻ phương tiện di chuyển, bữa ăn hay các dịch vụ vui chơi, thể thao, khám phá cũng được các tín đồ du lịch trên khắp thế giới ưa chuộng…Những mô hình dịch vụ mới như sở hữu kỳ nghỉ cũng góp phần không nhỏ trong việc gia tăng trải nghiệm của du khách với các dịch vụ cao cấp. Du khách có thể mua trọn gói lưu trú trong nhiều năm tại một khu nghỉ dưỡng, khách sạn (thường là 4-5 sao) với chi phí có thể tiết kiệm 50-70% so với giá niêm yết. Tất nhiên, ít người có nhu cầu ở thường xuyên hàng năm tại một nơi duy nhất, nên các gia đình hoặc cá nhân kết hợp và chia sẻ với nhau để trải nghiệm những kỳ nghỉ dưỡng đẳng cấp. Hiện nay tổ chức RCI (viết tắt của Resort Condominiums International) đang được xem là mạng lưới trao đổi kỳ nghỉ lớn nhất thế giới với hơn 4.300 khu nghỉ dưỡng và khách sạn hạng sang tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 “Chia sẻ” điểm đến
“Công nghệ thực tế ảo (VR)” - khái niệm miêu tả một môi trường mô phỏng qua màn hình máy tính hoặc trên các thiết bị chuyên dụng khác đang khá được quan tâm trong lĩnh vực du lịch. Ngày nay, chiếc điện thoại thông minh gần như đã trở thành vật bất ly thân trong các chuyến đi, đặc biệt với các bạn trẻ. Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp về nền tảng lữ hành trên điện thoại đang đẩy mạnh phát triển và hoàn thiện, để đem đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất qua công nghệ VR. Ở đó không chỉ có hình ảnh chân thực sắc nét, mà còn là những âm thanh gần gũi sống động mang trọn không gian thực tế hiện hữu trước mắt du khách.
Hiện nay, các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã quan tâm và áp dụng công nghệ thực tế ảo trong ngành du lịch - lữ hành. Điều này đã góp phần mang lại những trải nghiệm mới mẻ và tuyệt vời cho người đam mê du lịch, giúp họ khám phá những điểm đến “trong mơ”. Ví dụ, bạn muốn đi du lịch khắp các quốc gia trên thế giới, hay đơn giản đi hết những danh lam thắng cảnh tại Việt Nam. Chỉ cần tìm tên địa điểm mà bạn muốn tới, sau đó nhấp lệnh, mọi không gian như Đà Nẵng, Hội An, Ninh Bình, Tokyo, Paris… hay thậm chí là dưới đại dương xanh thẳm hoặc đỉnh Everest cao vút sẽ ở ngay trước mắt. Công nghệ thực tế ảo cũng hỗ trợ cung cấp cho khách hàng những hình ảnh trực quan về cảnh quan, môi trường, chất lượng của các khu nghỉ dưỡng, phòng khách sạn hay những điểm vui chơi, giải trí… Trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, công nghệ này càng phát huy tác dụng khi hỗ trợ việc thực hiện các “tour du lịch trực tuyến” trên toàn thế giới. Bạn hoàn toàn có thể dạo quanh Bảo tàng Louvre hoa lệ hay nhìn ngắm các tác phẩm mỹ thuật tại Bảo tàng Georgia O’Keefe hoặc xem vở Carmen từ Nhà hát Opera trung ương mà không có gì trở ngại. Điều này giúp đời sống văn hóa, du lịch vẫn được duy trì và giải tỏa căng thẳng cho con người ở những giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Hà Linh

TRÒ CHUYỆN VỚI “CHATBOT DANANG FANTASTICITY”


Kênh tra cứu thông tin du lịch tự động trên tin nhắn Chatbot Danang Fantasticity do Sở Du lịch thành phố hợp tác cùng Công ty cổ phần công nghệ Hekate xây dựng và phát triển đã mang lại hiệu quả vượt trội trong việc cung cấp, hỗ trợ thông tin liên quan đến du lịch Đà Nẵng. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Với những tính năng ưu việt của Chatbot, số lượng người dùng tương tác đang ngày một tăng và nhận về nhiều phản hồi tích cực từ người dân và du khách. Chúng tôi vừa có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Hekate để hiểu rõ hơn về một ứng dụng thông minh của du lịch Đà Nẵng.
Anh Nguyễn Minh Đức (người bên trái) tham gia Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng 2019
- Là một công ty khởi nghiệp tại Đà Nẵng, hiện các sản phẩm trí tuệ nhân tạo của Hekate đang hỗ trợ cho hoạt động của ngành du lịch thành phố ra sao thưa anh?
Hekate đang cung cấp giải pháp Chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho Sở Du lịch thành phố. Ứng dụng này giúp người dân và du khách tiếp cận thông tin du lịch một cách nhanh chóng, tức thì mà không cần phải tải xuống hay thao tác rườm rà. Các thông tin lịch trình, điểm đến được cá nhân hoá phù hợp, thuận tiện cùng với giao diện thân thiện giúp du khách hoàn toàn yên tâm khám phá thành phố Đà Nẵng. Chatbot tự động trả lời thông tin du lịch 24/7 giúp giảm tải công việc của các bạn hỗ trợ viên, cũng như tăng cường khả năng hỗ trợ du khách. Bên cạnh đó, thông qua việc tương tác của du khách với Chatbot, các hệ thống về trí tuệ nhân tạo cho phép khai thác và thấu hiểu hành vi, hỗ trợ phục vụ công tác nghiên cứu, tổng kết, định hướng, xây dựng chiến lược của ngành du lịch thành phố.
- Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về lộ trình phát triển, những thuận lợi, khó khăn cũng như hiệu quả của “Chatbot Danang Fantasticity” tính đến thời điểm hiện tại?
Dự án khởi đầu vào tháng 5/2017, Hekate phối hợp cùng Sở du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Vườn Ươm doanh nghiệp thành phố phát triển dự án Chatbot cho du lịch trong vòng 3 tháng và hoàn thành vào tháng 9/2017, sau đó thử nghiệm nội bộ 2 tháng trước khi chính thức thí điểm phục vụ du khách nhân dịp Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Sau 6 tháng thí điểm, Chatbot đã hỗ trợ gần 10,000 du khách. Ngày 20/4/2018, Sở Du lịch tổ chức họp báo công bố ứng dụng này, và Chatbot chính thức tham gia nền tảng du lịch thông minh của thành phố với vai trò hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân, du khách quốc tế. Thời điểm hiện tại, Chatbot đã hỗ trợ hơn 100.000 lượt du khách.
Thực hiện một dự án ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo có rất nhiều khó khăn và phức tạp đòi hỏi sự kỹ lưỡng, cẩn thận trong quá trình phát triển cũng như thí điểm trước khi chính thức công khai cho người dân sử dụng. Chúng tôi dành hơn nửa năm để “test” thử nghiệm nhiều lần, đảm bảo Chatbot hoạt động ổn định và hiệu quả. Tuy nhiên, dự án được thành phố ủng hộ về mặt chủ trương (ưu tiên cho các công ty khởi nghiệp tham gia vào quá trình phát triển thành phố thông minh), các cơ sở dữ liệu nền cũng đã được phát triển từ trước nên thuận lợi và dễ dàng hơn cho khâu tích hợp thông tin, dữ liệu.
- Hiện tại trên thị trường có rất nhiều “startup” làm về các sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho du lịch, vậy sản phẩm của Hekate có gì khác biệt?
Việc cùng lúc có nhiều startup làm về các sản phẩm trí tuệ nhân tạo cho du lịch là một tín hiệu tốt, điều này cho thấy ngành du lịch đang phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng hiện đại và nền tảng du lịch thông minh ngày càng trở nên đa dạng. Vấn đề quan trọng là sự hợp tác giữa các startup với nhau để đồng bộ hoá dữ liệu, cùng hướng đến mục tiêu tạo ra một nền tảng du lịch thông minh thực sự, mang lại nhiều giá trị cho người dân và du khách. Hiện với dự án Chatbot du lịch, Hekate cũng đang hợp tác với Justgola – một startup về trợ lý du lịch thông minh của Singapore để triển khai.
Vấn đề quan trọng tiếp theo đó là năng lực thực thi dự án. Hekate có hơn 3 năm kinh nghiệm triển khai các dự án thực tế về mảng này, hiểu rõ được những khó khăn khi thực hiện nên năng lực thực thi và sự kiên tâm là “ưu thế” để đẩy dự án đi đến cùng, mang lại giá trị thực cho người dân và du khách. Điều này cũng giúp Hekate được Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) chọn làm đối tác khu vực tư nhân để phát triển thành phố thông minh tại châu Á và Thái Bình Dương. Ngoài ra, những yếu tố khác như công nghệ, sản phẩm, giải pháp cũng góp phần không nhỏ.
- Để tạo dựng được nền tảng du lịch thông minh thì dữ liệu nền đóng vai trò vô cùng quan trọng, Hekate đã tận dụng và phát triển ứng dụng thông minh dựa trên cơ sở dữ liệu đó như thế nào?
Như ý kiến đã trao đổi ở trên, các ứng dụng nền tảng tham gia vào phát triển thành phố thông minh của Việt Nam phải dựa trên một khung quy chuẩn về dữ liệu để dễ đồng bộ hoá. Nếu chưa có khung quy chuẩn về dữ liệu thì các dự án tham gia trước và sau phải trao đổi với nhau về mặt sản phẩm, công nghệ để đưa ra được một quy chuẩn về dữ liệu, thuận tiện cho việc hợp tác và cho các dự án khác cùng tham gia vào phát triển thành phố thông minh sau này. Việc đồng bộ hoá dữ liệu du lịch, Hekate phải làm việc rất nhiều với Trung tâm Hỗ trợ du khách Đà Nẵng để tổng hợp và tích hợp thông tin, dữ liệu, cũng như làm việc với các đối tác công nghệ khác của ngành du lịch Đà Nẵng để kết hợp, và thống nhất dữ liệu ngay từ đầu. Trên cơ sở dữ liệu du lịch nền, Hekate kết hợp chúng với các Chatbot khác từ các đơn vị hành chính, khách sạn, nhà hàng, địa điểm du lịch trên địa bàn thành phố nhằm tạo nên một hệ sinh thái du lịch thông minh.
- Ngoài Chatbot, có các xu hướng nào khác về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong du lịch đã được phát triển trên thế giới? Anh có đề xuất gì đối với Đà Nẵng trong việc phát triển du lịch thông minh ở giai đoạn đến.
Ngoài Chatbot ra, các xu hướng khác về ứng dụng trí tuệ nhân tạo như Voicebot (tham gia hỗ trợ tại các địa điểm trực tiếp)Computer Vision (Thị giác máy tính, hỗ trợ nhận dạng, check-in, hay AI để dự đoán hành vi du lịch cũng đang được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng vào hoạt động du lịch. Hiện tại, Hekate cũng đã đưa ra một số đề xuất với thành phố như tiếp tục ứng dụng và nâng cấp hệ thống Chatbot lên hệ thống Voicebot, qua đó tăng cường khả năng hỗ trợ người dân bằng giọng nói thay vì bằng tin nhắn như hiện nay.
- Dịch Covid-19 hiện đang gây ra những tổn thất to lớn cho ngành du lịch trên khắp thế giới, trong đó có Đà Nẵng. Vậy những công nghệ thông minh có vai trò ra sao ở thời điểm này cũng như hậu “Corona”. Và trong tương lai, bạn có nghĩ du lịch thông minh có nên bao hàm cả việc dự trù và ứng phó với những vấn đề liên quan đến thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững?
Ứng dụng công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng là điều rất quan trọng đối với việc chuyển đổi số ngành du lịch. Ví như với tình hình dịch bệnh hiện tại công nghệ có thể giúp chúng ta kiểm tra được thông tin, lịch trình du khách, cũng như có thể cung cấp và nhận thông tin ngay lập tức từ họ. Chatbot với ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp dễ dàng liên hệ với du khách qua nền tảng tin nhắn mà họ sử dụng để thông báo thông tin dịch bệnh cũng như kiểm soát lịch trình di chuyển. Trong tương lai, du lịch thông minh với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo sẽ dự trù được tình hình thiên tai, dịch bệnh và dựa trên các cơ sở dữ liệu có thể đưa ra các hướng giải quyết tốt nhất khi có sự cố xảy ra, điều này sẽ giúp cho sự phát triển của ngành du lịch bền vững hơn.
Cảm ơn anh về những chia sẻ trên!
An Bình

Cách truy cập chatbot Danang Fanstaticity

* Truy cập từ cổng thông tin du lịch danangfantasticity.comBấm vào biểu tượng messgenger;
* Truy cập vào 
Fanpage Danang FantastiCityNhấn vào “bắt đầu” ở mục tin nhắn;
* Truy cập bằng messenger (Facebook): Tìm kiếm từ khóa visitdanang;
* Quét mã từ messenger: Vào chức năng quét mã của messenger và quét mã;
* Quét mã QR Code;
* Truy cập đường link: 
http://m.me/visitdanang.

Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

10 ỨNG DỤNG HỮU ÍCH CHO HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐÀ NẴNG


Trong thời đại 4.0, chỉ cần sở hữu một chiếc smartphone kèm theo việc lựa chọn những ứng dụng tốt nhất là bạn có thể tự tin vi vu du lịch mà không cần phải lo lắng về những trở ngại khi đặt chân tới vùng đất mới. Sự hỗ trợ của công nghệ giúp các tín đồ du lịch dễ dàng lên kế hoạch chi tiết nhất cho chuyến đi của mình. Và nếu điểm đến sắp tới của bạn là Đà Nẵng, hãy nhanh chóng “bỏ túi” ngay 10 ứng dụng du lịch miễn phí không thể thiếu dưới dây.

1. Danang FantastiCity
Ứng dụng Danang FantastiCity cung cấp các thông tin trực tuyến về điểm tham quan, sự kiện, lễ hội, ẩm thực, cơ sở lưu trú, phương tiện đi lại, tình hình thời tiết trong vòng 3 ngày và những thông tin du lịch cần thiết (nhà vệ sinh cộng cộng, vị trí các cây ATM, số điện thoại đường dây nóng…) một cách nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả nhất. Chỉ cần đưa ra thời gian, mức phí và sở thích, Danang FantastiCity sẽ tự động “gợi ý” một lịch trình tốt nhất phù hợp theo nhu cầu của mỗi người. Khi đã lên lịch trình cụ thể tại nhà, du khách vẫn có thể sử dụng ứng dụng này tại điểm đến mà không cần sự hỗ trợ của Wi-Fi, 3G.

2. inDaNang
inDaNang là ứng dụng hỗ trợ thông tin du lịch cho du khách, mang lại những trải nghiệm tốt nhất khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và giúp trả lời các câu hỏi: Đi đâu? Ăn gì? Làm gì? Không chỉ tạo ra phương thức giao tiếp mới về địa điểm du lịch, inDanang còn tạo ra cầu nối giữa nhà cung cấp dịch vụ địa phương và du khách. Chức năng đặc biệt của inDanang là kênh giúp chính quyền thành phố cung cấp thông tin xác thực về điểm đến và kết nối trực tiếp với tổng đài hỗ trợ 0511.1022. Ứng dụng này còn có tính năng lắc điện thoại để nhận gợi ý thông minh về điểm đến theo thời gian thực mà không cần mạng Internet.
3. Klook
Klook là một ứng dụng tuyệt vời giúp các tín đồ du lịch có thể đặt vé tham quan, đặt tour du lịch, mua SIM/Wifi… tại hàng trăm điểm đến khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. App Klook hỗ trợ hơn 40 đơn vị tiền tệ và 12 ngôn ngữ, bao gồm cả Tiếng Việt. Bạn có thể lọc các tiện ích/dịch vụ du lịch bằng cách tham khảo danh sách Điểm Đến Đà Nẵng do Klook liệt kê. Tính năng Yêu Thích hay Wishlist cho phép người dùng có thể xây dựng hành trình vi vu mơ ước. Ngoài ra, tại trang chủ của Klook, bạn có thể dễ dàng truy cập các chuyên mục HOT như Khuyến Mãi, Điểm Đến/Dịch Vụ Phổ Biến, Hoạt Động Du Lịch Đề Cử…
4. Traveloka 
Với giao diện đẹp, thao tác đơn giản, mức giá hợp lý, nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn và dịch vụ chăm sóc khách hàng nhiệt tình 24/7, ứng dụng Traveloka ngày càng phổ biến và được đánh giá cao về chất lượng. Không chỉ dừng lại ở đặt vé máy bay, ứng dụng Traveloka còn cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn, nhà hàng và mang đến cho bạn vô vàn lựa chọn từ vé tham quan, phương tiện di chuyển, đến chương trình tour và các hoạt động du lịch hấp dẫn khác. Điểm nổi bật của ứng dụng này chính là hiện giá trung thực, không cộng thêm các chi phí thuế, phí dịch vụ và phí ẩn.
5. TripAdvisor
Được ví như cuốn cẩm nang du lịch điện tử hữu ích dành cho du khách, TripAdvisor nổi tiếng về kho dữ liệu thông tin du lịch khổng lồ bao gồm các tính năng rất thiết thực từ tìm kiếm chuyến bay, nhà hàng, phòng khách sạn cho đến việc thảo luận về thông tin du lịch. TripAdvisor giống như một diễn đàn – nơi mọi người có thể tìm thấy rất nhiều lời khuyên, ý kiến đánh giá của hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới gởi về để tham khảo. Bạn có thể xem trực tiếp nhận xét, hình ảnh về chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, địa điểm du lịch trước khi đặt chân đến đó. Tất cả thông tin chia sẻ đều mang tính xác thực cao.
6. Góp Ý Đà Nẵng
Với thông điệp "Góp ý văn minh chính xác, xử lý trách nhiệm hiệu quả", ứng dụng Góp Ý Đà Nẵng luôn nhận được sự đánh giá cao của người dùng. Thông qua ứng dụng, chính quyền thành phố tiếp nhận, xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân, khách du lịch trên các lĩnh vực: quản lý trật tự đô thị, xây dựng, môi trường, giao thông, an toàn thực phẩm, công chức công vụ, xây dựng Thành phố thông minh và các tham mưu của doanh nghiệp, người dân, du khách nhằm xây dựng Đà Nẵng ngày càng đẹp, thân thiện hơn. Người góp ý được phản hồi thông tin khi có kết quả xử lý và khen thưởng nếu nội dung thiết thực, hiệu quả.

7. KuuHo
KuuHo là ứng dụng hỗ trợ cộng đồng được thành phố Đà Nẵng đưa vào sử dụng nhằm kết nối với người dùng trong các trường hợp cần giúp đỡ về Cảnh sát, Cứu hỏa và Cấp cứu. Người dân và du khách có thể chọn phản ánh với 3 mục: Nguy hiểm (nguy hiểm, hư hỏng cầu đường, sự cố điện); Vi phạm (Thực phẩm, Môi trường, Giao thông, Xây dựng, Khác) và Du lịch. KuuHo giúp bạn cung cấp đầy đủ thông tin cho các lực lượng cứu hộ và toàn thể cộng đồng về tình thế nguy hiểm, mất an toàn mà bạn đang gặp phải. Bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ, giải cứu nhanh nhất, từ chính những người có kỹ năng phù hợp gần ngay xung quanh bạn.
8. Danabus

Ứng dụng Danabus được sử dụng để tra cứu lộ trình, thông tin các tuyến xe buýt trong thành phố Đà Nẵng bao gồm các thao tác cụ thể như: tìm lộ trình di chuyển ngắn nhất, tìm vị trí các trạm dừng lân cận gần nhất, xem lộ trình tất cả các tuyến xe buýt, theo dõi các xe buýt chuẩn bị đến trạm, cung cấp thời gian chính xác điểm xe đến trạm. Ứng dụng DanaBus sẽ giúp hành khách chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian chờ đợi và đón xe buýt, góp phần nâng cao động lực sử dụng các phương tiện vận tải công cộng của người dân thành phố, giúp du khoách dễ dàng hơn trong việc sử dụng hệ thống xe buýt. 
9. Foody
Nhanh chóng, thuận tiện và đáng tin cậy, Foody là ứng dụng tiện ích giúp bạn tìm kiếm các địa điểm ăn uống. Ngoài ra, ứng dụng này còn tích hợp cả chức năng giao hàng và đặt chỗ. Hệ thống tìm kiếm sử dụng gợi ý và xem nhanh thông tin giúp bạn có được sự lựa chọn tối ưu nhất. Foody cho phép thành viên chèn hình ảnh vào bình luận, đánh giá địa điểm với 5 tiêu chí: Món ăn, Vị trí, Không gian, Giá cả và Dịch vụ. Điều này giúp cộng đồng có cái nhìn tổng quan về các tiêu chí của mỗi địa điểm. Foody là cách dễ dàng để bạn có thể tìm kiếm và lựa chọn địa điểm ăn uống tốt nhất cho mình và bạn bè.
10. Google Maps
Khi đi du lịch, chắc chắn một ứng dụng bản đồ là điều vô cùng cần thiết và Google Maps là ứng dụng lý tưởng nhất dành cho bạn. Nhờ Google Maps, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về địa điểm mình sẽ đến, đồng thời bạn cũng có thể dễ dàng tra cứu danh sách các tuyến xe bus, tàu điện ngầm, quán ăn, khách sạn… Nếu không có kết nối Internet, bạn vẫn có thể lưu bản đồ ngoại tuyến, đánh dấu các điểm cần đến trên bản đồ. Ngoài ra, Google Maps còn có một số chức năng khác như theo dõi toàn bộ hành trình của bạn trong một năm, gợi ý đặt vé cho các chương trình và xem toàn cảnh 360 độ nhiều địa danh nổi tiếng.

Thục Như