Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

10 ỨNG DỤNG HỮU ÍCH CHO HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ ĐÀ NẴNG


Trong thời đại 4.0, chỉ cần sở hữu một chiếc smartphone kèm theo việc lựa chọn những ứng dụng tốt nhất là bạn có thể tự tin vi vu du lịch mà không cần phải lo lắng về những trở ngại khi đặt chân tới vùng đất mới. Sự hỗ trợ của công nghệ giúp các tín đồ du lịch dễ dàng lên kế hoạch chi tiết nhất cho chuyến đi của mình. Và nếu điểm đến sắp tới của bạn là Đà Nẵng, hãy nhanh chóng “bỏ túi” ngay 10 ứng dụng du lịch miễn phí không thể thiếu dưới dây.

1. Danang FantastiCity
Ứng dụng Danang FantastiCity cung cấp các thông tin trực tuyến về điểm tham quan, sự kiện, lễ hội, ẩm thực, cơ sở lưu trú, phương tiện đi lại, tình hình thời tiết trong vòng 3 ngày và những thông tin du lịch cần thiết (nhà vệ sinh cộng cộng, vị trí các cây ATM, số điện thoại đường dây nóng…) một cách nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả nhất. Chỉ cần đưa ra thời gian, mức phí và sở thích, Danang FantastiCity sẽ tự động “gợi ý” một lịch trình tốt nhất phù hợp theo nhu cầu của mỗi người. Khi đã lên lịch trình cụ thể tại nhà, du khách vẫn có thể sử dụng ứng dụng này tại điểm đến mà không cần sự hỗ trợ của Wi-Fi, 3G.

2. inDaNang
inDaNang là ứng dụng hỗ trợ thông tin du lịch cho du khách, mang lại những trải nghiệm tốt nhất khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và giúp trả lời các câu hỏi: Đi đâu? Ăn gì? Làm gì? Không chỉ tạo ra phương thức giao tiếp mới về địa điểm du lịch, inDanang còn tạo ra cầu nối giữa nhà cung cấp dịch vụ địa phương và du khách. Chức năng đặc biệt của inDanang là kênh giúp chính quyền thành phố cung cấp thông tin xác thực về điểm đến và kết nối trực tiếp với tổng đài hỗ trợ 0511.1022. Ứng dụng này còn có tính năng lắc điện thoại để nhận gợi ý thông minh về điểm đến theo thời gian thực mà không cần mạng Internet.
3. Klook
Klook là một ứng dụng tuyệt vời giúp các tín đồ du lịch có thể đặt vé tham quan, đặt tour du lịch, mua SIM/Wifi… tại hàng trăm điểm đến khắp khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. App Klook hỗ trợ hơn 40 đơn vị tiền tệ và 12 ngôn ngữ, bao gồm cả Tiếng Việt. Bạn có thể lọc các tiện ích/dịch vụ du lịch bằng cách tham khảo danh sách Điểm Đến Đà Nẵng do Klook liệt kê. Tính năng Yêu Thích hay Wishlist cho phép người dùng có thể xây dựng hành trình vi vu mơ ước. Ngoài ra, tại trang chủ của Klook, bạn có thể dễ dàng truy cập các chuyên mục HOT như Khuyến Mãi, Điểm Đến/Dịch Vụ Phổ Biến, Hoạt Động Du Lịch Đề Cử…
4. Traveloka 
Với giao diện đẹp, thao tác đơn giản, mức giá hợp lý, nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn và dịch vụ chăm sóc khách hàng nhiệt tình 24/7, ứng dụng Traveloka ngày càng phổ biến và được đánh giá cao về chất lượng. Không chỉ dừng lại ở đặt vé máy bay, ứng dụng Traveloka còn cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn, nhà hàng và mang đến cho bạn vô vàn lựa chọn từ vé tham quan, phương tiện di chuyển, đến chương trình tour và các hoạt động du lịch hấp dẫn khác. Điểm nổi bật của ứng dụng này chính là hiện giá trung thực, không cộng thêm các chi phí thuế, phí dịch vụ và phí ẩn.
5. TripAdvisor
Được ví như cuốn cẩm nang du lịch điện tử hữu ích dành cho du khách, TripAdvisor nổi tiếng về kho dữ liệu thông tin du lịch khổng lồ bao gồm các tính năng rất thiết thực từ tìm kiếm chuyến bay, nhà hàng, phòng khách sạn cho đến việc thảo luận về thông tin du lịch. TripAdvisor giống như một diễn đàn – nơi mọi người có thể tìm thấy rất nhiều lời khuyên, ý kiến đánh giá của hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới gởi về để tham khảo. Bạn có thể xem trực tiếp nhận xét, hình ảnh về chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng, địa điểm du lịch trước khi đặt chân đến đó. Tất cả thông tin chia sẻ đều mang tính xác thực cao.
6. Góp Ý Đà Nẵng
Với thông điệp "Góp ý văn minh chính xác, xử lý trách nhiệm hiệu quả", ứng dụng Góp Ý Đà Nẵng luôn nhận được sự đánh giá cao của người dùng. Thông qua ứng dụng, chính quyền thành phố tiếp nhận, xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh của tổ chức, công dân, khách du lịch trên các lĩnh vực: quản lý trật tự đô thị, xây dựng, môi trường, giao thông, an toàn thực phẩm, công chức công vụ, xây dựng Thành phố thông minh và các tham mưu của doanh nghiệp, người dân, du khách nhằm xây dựng Đà Nẵng ngày càng đẹp, thân thiện hơn. Người góp ý được phản hồi thông tin khi có kết quả xử lý và khen thưởng nếu nội dung thiết thực, hiệu quả.

7. KuuHo
KuuHo là ứng dụng hỗ trợ cộng đồng được thành phố Đà Nẵng đưa vào sử dụng nhằm kết nối với người dùng trong các trường hợp cần giúp đỡ về Cảnh sát, Cứu hỏa và Cấp cứu. Người dân và du khách có thể chọn phản ánh với 3 mục: Nguy hiểm (nguy hiểm, hư hỏng cầu đường, sự cố điện); Vi phạm (Thực phẩm, Môi trường, Giao thông, Xây dựng, Khác) và Du lịch. KuuHo giúp bạn cung cấp đầy đủ thông tin cho các lực lượng cứu hộ và toàn thể cộng đồng về tình thế nguy hiểm, mất an toàn mà bạn đang gặp phải. Bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ, giải cứu nhanh nhất, từ chính những người có kỹ năng phù hợp gần ngay xung quanh bạn.
8. Danabus

Ứng dụng Danabus được sử dụng để tra cứu lộ trình, thông tin các tuyến xe buýt trong thành phố Đà Nẵng bao gồm các thao tác cụ thể như: tìm lộ trình di chuyển ngắn nhất, tìm vị trí các trạm dừng lân cận gần nhất, xem lộ trình tất cả các tuyến xe buýt, theo dõi các xe buýt chuẩn bị đến trạm, cung cấp thời gian chính xác điểm xe đến trạm. Ứng dụng DanaBus sẽ giúp hành khách chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian chờ đợi và đón xe buýt, góp phần nâng cao động lực sử dụng các phương tiện vận tải công cộng của người dân thành phố, giúp du khoách dễ dàng hơn trong việc sử dụng hệ thống xe buýt. 
9. Foody
Nhanh chóng, thuận tiện và đáng tin cậy, Foody là ứng dụng tiện ích giúp bạn tìm kiếm các địa điểm ăn uống. Ngoài ra, ứng dụng này còn tích hợp cả chức năng giao hàng và đặt chỗ. Hệ thống tìm kiếm sử dụng gợi ý và xem nhanh thông tin giúp bạn có được sự lựa chọn tối ưu nhất. Foody cho phép thành viên chèn hình ảnh vào bình luận, đánh giá địa điểm với 5 tiêu chí: Món ăn, Vị trí, Không gian, Giá cả và Dịch vụ. Điều này giúp cộng đồng có cái nhìn tổng quan về các tiêu chí của mỗi địa điểm. Foody là cách dễ dàng để bạn có thể tìm kiếm và lựa chọn địa điểm ăn uống tốt nhất cho mình và bạn bè.
10. Google Maps
Khi đi du lịch, chắc chắn một ứng dụng bản đồ là điều vô cùng cần thiết và Google Maps là ứng dụng lý tưởng nhất dành cho bạn. Nhờ Google Maps, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về địa điểm mình sẽ đến, đồng thời bạn cũng có thể dễ dàng tra cứu danh sách các tuyến xe bus, tàu điện ngầm, quán ăn, khách sạn… Nếu không có kết nối Internet, bạn vẫn có thể lưu bản đồ ngoại tuyến, đánh dấu các điểm cần đến trên bản đồ. Ngoài ra, Google Maps còn có một số chức năng khác như theo dõi toàn bộ hành trình của bạn trong một năm, gợi ý đặt vé cho các chương trình và xem toàn cảnh 360 độ nhiều địa danh nổi tiếng.

Thục Như

Vì sao Đà Nẵng là điểm đến “TOP 1” trên Google?


Tháng 12/2019, vượt qua nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới như Dubai (UAE), Vienna (Áo) hay thậm chí là Marseille (Pháp) và đặc biệt là những điểm nóng du lịch châu Á như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) hay Bangkok (Thái Lan); Đà Nẵng (Việt Nam) nhận được tin vui khi đạt vị trí “Top 1 Điểm đến toàn cầu” năm 2020 do Google công bố dựa trên dữ liệu tìm kiếm về du lịch và khách sạn (Google Hotel Search Data) trên toàn cầu. Đánh giá này có được thông qua mật độ tìm kiếm, sự phổ dụng, giá thành cũng như các điều kiện dành cho du lịch. Mới đây nhất, Đà Nẵng cũng lọt “Top 7” trong danh sách “25 Điểm đến thịnh hành năm 2020” do độc giả của website du lịch lớn nhất thế giới – Trip Advisor bình chọn. Điều này hứa hẹn Đà Nẵng sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và thu hút du khách khi dịch bệnh qua đi.
Báo cáo của Google viết: “Những bãi biển đầy cát ở Đà Nẵng, cuộc sống về đêm của Sao Paulo và thịt nướng Hàn Quốc ở Seoul là những thứ đầu tiên mà những người lên kế hoạch cho kỳ nghỉ năm nay (2020) nghĩ tới”. Bên cạnh đó, Cầu Vàng thuộc Khu du lịch Bà Nà – Hiện tượng truyền thông toàn cầu năm 2018 – cũng là nhân tố góp phần tạo sức hút mạnh mẽ đối với khách quốc tế đến Đà Nẵng suốt năm 2019. Theo thống kê, khách Thái Lan đến Cầu Vàng tăng tới 400%, 1 tuần có tới 60 chuyến bay thẳng từ Thái Lan đến Đà Nẵng; Khách châu Âu tăng 50%...
Điều làm nên một điểm đến được lựa chọn hàng đầu thế giới?
Sẽ không quá khó hiểu khi biển Đà Nẵng là một trong những tìm kiếm hàng đầu của khách quốc tế trên Google cũng như các ứng dụng tìm kiếm khác. Sở hữu bờ biển dài 90 km với các bãi cát trắng mịn, sạch sẽ, đầy nắng và gió mát trong lành, Đà Nẵng đã từng lọt mắt xanh của du khách khắp thế giới khi bãi biển Mỹ Khê được Tạp chí Forbes bình chọn là “một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh”, bãi biển Non Nước xếp vị trí thứ 10 trong Top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á được TripAdvisor bình chọn năm 2017. Hầu hết các bãi biển đều có các loại hình thể thao giải trí phục vụ du khách như: câu cá, lướt ván, lặn biển, du thuyền và nhiều hoạt động khám phá, trải nghiệm biển lý thú khác.
Ngoài ra, nhiều điểm đến khác cũng tạo nên sức thu hút lớn đối với du khách quốc tế như: viên ngọc quý Sơn Trà chứa trong mình thảm thực vật phong phú, Cầu Vàng (Khu Du lịch Sun World Ba Na Hills) – Top 100 Điểm đến hàng đầu năm 2018 và đạt Giải thưởng đặc biệt của năm từ The Guide Awards 2018 hay khu danh thắng Ngũ Hành Sơn – điểm du lịch tâm linh được nhiều du khách quan tâm và lựa chọn. Bên cạnh yếu tố tự nhiên, cảnh quan thì lợi thế quan trọng của Đà Nẵng chính là hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch được đầu tư bài bản, chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch… Tất cả tạo thành một điểm đến được lựa chọn hàng đầu thế giới, mang đến sự hài lòng cho du khách quốc tế khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại đây.
Hiệu quả từ công tác truyền thông, quảng bá du lịch
Nắm bắt được sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin và Truyền thông, từ rất sớm, Đà Nẵng đã tận dụng Internet như một nhịp cầu kết nối linh hoạt và tiện lợi để tác động đến khách du lịch trong việc lựa chọn và tìm kiếm thông tin của mỗi chuyến đi. Năm 2015, Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động chính thức Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng tại địa chỉ www.tourism.danang.vn. với 5 ngôn ngữ khác nhau; đầu tư phát triển mạnh các trang mạng xã hội như: Fanpage Facebook Danang FantastiCity, Instagram danang_fantasticity, Youtube, Twitter… Tính từ đầu năm 2020 cho đến nay, lượng truy cập (theo google analytics) trên Cổng Thông tin du lịch điện tử Đà Nẵng ước đạt gần 90.000 lượt.
Đà Nẵng cũng là thành phố đầu tiên trên cả nước ra mắt ứng dụng “Khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động” - App Danang FantastiCity. Không chỉ dừng lại ở đó, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đi tiên phong trong xây dựng du lịch thông minh qua việc thí điểm ứng dụng Chatbot (m.me/visitdanang) phục vụ người dân và du khách. Năm 2019 là năm đánh dấu bước ngoặt lớn đối với công tác truyền thông trực tuyến trên mạng xã hội của du lịch Đà Nẵng khi Fanpage Facebook, Instagram của ngành được cấp thẻ tick xanh; đồng thời website danangticket.com. cũng chính thức được đưa vào hoạt động.
Hiệu quả công tác truyền thông của ngành du lịch Đà Nẵng thể hiện rõ qua những thành tựu, danh hiệu đã đạt được như: “Top 7 Điểm đến thịnh hành thế giới” do TripAdvisor bình chọn và công bố vào tháng 3/2020; “Top 1 Điểm đến toàn cầu năm 2020” do Google công bố vào tháng 12/2019; “Top 52 điểm đến 2019 do Tạp chí New York Times bình chọn”; “Top 10 điểm đến đáng sống ở nước ngoài năm 2018” (Tạp chí du lịch nổi tiếng Live and Invest Overseas); “Top 10 thành phố tổ chức sự kiện hàng đầu châu Á năm 2018” (Tạp chí Smart Travel Asia); Top xu hướng về lựa chọn điểm đến năm 2018 (Trang web đặt phòng lớn nhất Thế giới Airbnb), “Đà Nẵng – Thành phố xanh quốc gia của Việt Nam (Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF)), “Top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á” (Bãi biển Non Nước được xếp vị trí thứ 10) (TripAdvisor), “Top 10 điểm đến du lịch đẹp nhất Việt Nam” (Tạp chí Rough Guides), “Top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á năm 2016” (Tạp chí Smart Travel Asia), “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016” (Tổ chức Du lịch Thế giới), “Top 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách nên tham quan trong năm 2015” (Đà Nẵng đứng thứ 6) (The Richest (Canada)), “52 điểm đến đáng chú ý của năm” (Báo New York Times (Mỹ))…
Cơ hội chuyển hướng và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế
Trước những biến động khó lường về chính trị, xã hội trên thế giới, từ năm 2015, ngành du lịch Đà Nẵng đã triển khai những bước đi then chốt về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, chuyển hướng và đa dạng hóa thị trường khách quốc tế nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi có biến động đột xuất ảnh hưởng đến thị trường khách du lịch, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường. Đà Nẵng đã triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch thành phố đến các thị trường quốc tế trọng điểm và tiềm năng. Bên cạnh đó, nội dung và phương thức tổ chức các chương trình xúc tiến đã được thay đổi, làm mới, cập nhật và cung cấp những thông tin mới, hấp dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú giao lưu, hợp tác. Hàng năm, Sở Du lịch TP Đà Nẵng phối hợp cùng với Tổng cục Du lịch, các hãng hàng không và các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng tham gia các chương trình phát động du lịch tại nhiều nước như: Hội chợ ITB Berlin – Đức, MITT Nga, ITF Đài Loan, TTM+ Chiang Mai – Thái Lan, MATTA Malaysia, JATA Nhật Bản, Hanatour Hàn Quốc, ITE&M.I.C.E Hongkong…; Tổ chức Chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại London – Anh, Pháp, Đức, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…
Bên cạnh đó, nằm trong kế hoạch đa dạng thị trường khách quốc tế giai đoạn 2019 – 2021, ngành du lịch Đà Nẵng đang tích cực tăng cường các hoạt động hợp tác xúc tiến mở các đường bay trực tiếp, thuê chuyến từ Nga, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Úc, Ấn Độ đến Đà Nẵng. Tính đến tháng 1/2020, có tổng cộng 37 đường bay quốc tế đến Đà Nẵng với tần suất 536 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa với tần suất 697 chuyến/tuần. Trong 37 đường bay quốc tế có 23 đường bay thường kỳ với tần suất 498 chuyến/tuần và 14 đường bay thuê chuyến với tần suất 38 chuyến/tuần.
Để đạt được những thành quả như trên, điều cốt yếu chính là sự chỉ đạo quyết liệt, sự ứng biến linh hoạt và tầm nhìn chiến lược của chính quyền thành phố, sự chung tay đồng hành của doanh nghiệp và sự ý thức, tinh thần trách nhiệm, đồng lòng của người dân địa phương. Tất cả đã tạo nên một nền tảng vững chắc, góp phần xây dựng một Đà Nẵng an toàn, hấp dẫn, thân thiện, mến khách và luôn là điểm đến được lựa chọn hàng đầu thế giới.
                                                                                                      V.I.N.A

Chờ ngày dịch tan


Dịch Covid-19 và những diễn biến phức tạp của nó đang là cú đánh mạnh vào các tín đồ du lịch trên khắp thế giới, khi mọi chuyến đi trong mơ đều phải tạm dừng. Cách duy nhất để vượt qua giai đoạn “cuồng chân” này là nỗ lực chung tay với cộng đồng phòng chống dịch bệnh và ấp ủ dự định cho những hành trình tiếp theo. Nhiều xu hướng du lịch cũng được dự đoán sẽ bùng nổ mạnh mẽ trở lại sau những ngày bị kìm hãm vì dịch bệnh.
Du lịch không kế hoạch
“Chẳng có kế hoạch nào là khả thi cho đến ngày nó thành hiện thực”, câu nói này càng đúng ở thời điểm hiện tại, khi đã có hàng triệu chuyến đi trên khắp thế giới bị hủy bỏ và “đóng băng” vì ảnh hưởng của dịch bệnh chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Những tác động khách quan không ngờ này hẳn sẽ khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ và càng trân trọng hơn khoảng thời gian yên bình, mạnh khỏe, có thể vác ba lô lên và đi bất cứ lúc nào. Thậm chí sau cơn dịch, nhiều khách du lịch sẽ bỏ qua giai đoạn lên kế hoạch, mà nhanh chóng tận hưởng những chuyến đi. Thực ra, xu thế du lịch “ngẫu hứng” này vốn đã nổi lên từ vài năm trở lại đây, hơn 60% du khách chia sẻ rằng họ sẵn sàng đi du lịch nếu săn được vé giảm giá trên các ứng dụng. Những từ khóa tìm kiếm "địa điểm vui chơi gần tôi", "địa điểm ăn uống gần tôi" trên ứng dụng Google Map tăng mạnh cho thấy du lịch không kế hoạch sẽ tiếp tục là xu thế trong các năm tiếp theo. Với sự hỗ trợ của công nghệ, hàng loạt ứng dụng mới mẻ ra đời mỗi năm càng tạo điều kiện cho mọi người giải quyết các vấn đề về vé, chỗ nghỉ, điểm vui chơi một cách nhanh chóng nhất và giúp họ tận hưởng một chuyến đi không kế hoạch đúng nghĩa.
Du lịch cá nhân, tự túc
Du lịch một mình (solo travel) là hình thức du khách tự trải nghiệm và khám phá hoàn toàn theo sở thích bản thân. Hình thức du lịch này nở rộ trong thời gian gần đây bởi sự đơn giản, nhanh chóng, tự do và thoải mái. So với du lịch truyền thống, du lịch cá nhân giúp du khách không bị ràng buộc bởi những lịch trình kéo dài hay phụ thuộc vào thời gian, kế hoạch của những người đi cùng; tận hưởng cảm giác được là chính mình một cách trọn vẹn. Nhu cầu du lịch “một mình” không còn là điều kỳ lạ như thời gian trước mà dần trở thành xu hướng hấp dẫn được nhiều người lựa chọn. Nhiều báo cáo quốc tế cho thấy cộng đồng yêu thích du lịch cá nhân có xu hướng tăng trưởng mạnh. Ðáng ngạc nhiên là xu hướng này không chỉ thu hút những người trẻ ưa xê dịch mà còn là sự lựa chọn của nhiều du khách có tuổi. Theo một báo cáo của Booking.com, có tới 40% khách du lịch trong độ tuổi 50 đến 65 đã trải nghiệm cảm giác du lịch cá nhân và có ý định thực hiện thêm các chuyến du lịch tương tự trong những năm tiếp theo. Trên thế giới và ở Việt Nam, rất nhiều youtuber đã góp phần tạo nên và thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng du lịch cá nhân thông qua những video trải nghiệm chuyến hành trình độc lập đầy thú vị.
Song song với xu hướng phát triển du lịch cá nhân, việc xây dựng các nền tảng công nghệ thông minh hỗ trợ cho mục đích du lịch trở thành định hướng quan trọng nhằm tận dụng được tiềm năng phát triển lớn trong xu thế này. Bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, đây là đối tượng du khách có xu hướng khai thác mạnh các công cụ trực tuyến để quyết định về chuyến đi. Thêm nữa, người ưa thích du lịch cá nhân thường bị thu hút bởi những chia sẻ, trải nghiệm của những người đi trước. Thêm vào đó, du lịch tự túc sẽ song hành cùng du lịch tiết kiệm. Am hiểu về công nghệ, người trẻ hoàn toàn tìm được mức giá tốt trên mạng cùng vô số website so sánh dịch vụ. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa và mức chi tiêu rẻ hàng đầu thế giới, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn của những người yêu thích loại hình du lịch cá nhân trên toàn thế giới. Thống kê của Klook, một nền tảng đặt dịch vụ du lịch tại điểm đến cho thấy, ở thị trường châu Á, cùng với Thái Lan,Việt Nam là quốc gia thu hút mạnh dòng khách du lịch cá nhân.
Điểm đến mới mẻ, hấp dẫn
Ở thời điểm trước, du khách thường dành kỳ nghỉ của mình cho mục đích nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, năm nay, dân du lịch chuyên nghiệp lại quan tâm tới những trải nghiệm phiêu lưu và mới mẻ hơn. Lựa chọn một quốc gia xa lạ, ít người biết tới cũng là một quyết định khá táo bạo. Dữ liệu từ Booking.com cho thấy 51% khách du lịch sẽ chọn điểm đến ít được biết tới hơn nếu điều đó giúp giảm tác động của tình trạng quá tải. Ý tưởng khám phá những nơi chưa thu hút nhiều khách du lịch cũng được quan tâm. Hàng năm, có rất nhiều địa điểm mới hứa hẹn trở thành xu hướng du lịch. Bên cạnh các nước ở khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi gần đây được nhắc đến như xu hướng du lịch mới, đặc biệt là Dubai, Abu Dhabi của UAE chứng kiến sự tăng trưởng khách nước ngoài nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác trong khu vực. Châu Phi cũng sẵn sàng cho sự bùng nổ du lịch năm 2020. Cape Town, Nam Phi là một lựa chọn thú vị: Từ các triển lãm nghệ thuật, xứ sở rượu vang tới đường bờ biển, các hoạt động thú vị dường như không bao giờ kết thúc. Nhắc về đường bờ biển, thành phố biển Đà Nẵng – Việt Nam vẫn cho thấy sức hút của một điểm đến tươi mới, hấp dẫn khi liên tục lọt top những điểm phải đến trong năm 2020. Điều này đặt ra cơ hội và cả thách thức cho Đà Nẵng trong việc phát triển du lịch bền vững, cân bằng hài hòa các yếu tố để giữ gìn và phát huy sức hấp dẫn của mình.
Du lịch “xanh”
 Theo Forbes: “2019 là năm con người bắt đầu nhận ra mối tương quan giữa du lịch và những ảnh hưởng của nó tới môi trường. Dự đoán du lịch bền vững sẽ trở thành xu hướng cốt lõi của ngành vào năm 2020”. Khi biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp, đe dọa đến sự tồn vong của nhiều địa điểm du lịch, môi trường du lịch thì xu hướng du lịch “xanh” chính là yếu tố cân bằng được hai yêu cầu: Phát triển – Bảo vệ môi trường. Hơn nữa, khi thế giới đi qua những biến cố lớn như dịch bệnh, thiên tai, ý thức về môi trường sống xanh và bền vững của con người sẽ cao hơn rất nhiều, tất nhiên, du lịch không là ngoại lệ. Mọi người sẽ vẫn tận hưởng, vẫn đam mê được đi và khám phá, nhưng ưu tiên các loại hình du lịch bền vững. Theo một thống kê, có tới 50% khách sẵn sàng chi trả cho các công ty để thực hiện các hoạt động hướng tới lợi ích cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Du lịch “xanh” tác động đến lựa chọn của du khách thông qua việc chọn thời điểm, địa điểm và hình thức du lịch phù hợp. Du lịch trái mùa là một ví dụ, khi những chuyến đi được trải đều quanh năm mà không tập trung vào một mùa lễ hội, sự kiện nào. Xu hướng này vừa giúp giảm tải cho điểm đến, vừa giúp du khách có được những trải nghiệm mới mẻ, hài hòa hơn. Tuy thời tiết có thể không lý tưởng bằng du lịch đúng mùa nhưng những lợi ích xu hướng này đem lại hoàn toàn lấn át mặt hạn chế của nó. Việc thăm thú những địa điểm nằm cách xa trung tâm thành phố, vùng ngoại ô, nông thôn cũng sẽ lên ngôi trong năm 2020, khi du khách ngày một quan tâm hơn đến việc trải nghiệm thiên nhiên tươi mát và gần gũi với đời sống văn hóa bản địa hơn. Hạn chế di chuyển bằng máy bay và chuyển sang các loại hình giao thông đường bộ cũng đang là lựa chọn của nhiều người trẻ khi họ nhận thức rõ trách nhiệm với môi trường. Những chuyến tàu cùng các tuyến xe buýt với nhiều điểm dừng chân sẽ là lựa chọn phù hợp cho lứa du khách trẻ thích trải nghiệm một cách linh hoạt. 
Du lịch trải nghiệm
Như đã nói ở trên, “cú sốc” của dịch bệnh nhất định sẽ khiến khách du lịch thế hệ mới yêu trái đất, tôn trọng và có trách nhiệm với môi trường sống hơn, vì vậy xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ chắc chắn thịnh hành trong những năm đến. Ngày càng nhiều người chọn hình thức du lịch chậm, tham quan ít nơi hơn và ở lại trong thời gian dài hơn. Du khách ngày nay có thể chọn thuê một căn hộ từ người dân bản địa, dạo quanh khu chợ địa phương và tìm hiểu những câu chuyện mới để kết nối và tận hưởng văn hóa khác biệt tại vùng đất họ đang khám phá thay vì gò bó cả chuyến đi trong phòng khách sạn hay những lịch trình cứng nhắc. Đây chính lý do mà loại hình du lịch cộng đồng đang rất được ưa chuộng và ngày càng phát triển. Khách du lịch được sống đời sống của vùng đất mới, cảm nhận mọi thứ theo cách gần gũi và thực tế nhất, từ đó trải nghiệm cũng trở nên đáng nhớ và thú vị hơn.
Năm 2020 là thời điểm được dự đoán mở đầu cho những trải nghiệm du lịch mới mẻ. Tuy mục đích của đa số thị trường khách vẫn là tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, song nhiều nhu cầu mới sẽ hình thành. Du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Không chỉ thế giới mà cả ở Việt Nam, những chuyến đi nghỉ dưỡng đơn thuần không còn được lựa chọn nhiều. Du khách đang quan tâm hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến. Khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị. Nếu trước đây, du lịch biển là trào lưu thì những năm gần đây đã chuyển hướng sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương. Đặc biệt, trải nghiệm ẩm thực tại điểm đến là một trong những lựa chọn hàng đầu. Các kì nghỉ có hoạt động khám phá hương vị ẩm thực địa phương đang ngày càng phổ biến và không có dấu hiệu chậm lại.
                                                                                              Lee Đặng

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

BÀI TOÁN DU LỊCH MÙA DỊCH


Là người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng đã có những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất liên quan đến sự biến động, dịch chuyển, thực trạng và khả năng phục hồi của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
1-Có một thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt, đó là nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố đã phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc và chưa thể xác định được ngày hoạt động trở lại. Một số khách sạn đã hoạt động lâu năm, có nguồn lợi nhuận tích lũy thì vẫn có thể duy trì hoạt động ở mức thấp nhất, bởi tỷ lệ thuê phòng hiện tại chỉ đạt 5-10%. Điều đó có nghĩa nếu khách sạn có 200 phòng, thì chỉ được 10-20 phòng kín, tức mỗi ngày có khoảng 40 - 50 khách, thậm chí ít hơn. Trong khi đó, ở vào thời kỳ cao điểm, các khách sạn lớn có thể đón 400 - 500 khách một ngày. Sự sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu đang diễn ra với tất cả các cơ sở lưu trú chứ không chỉ riêng khách sạn 4, 5 sao. Tình trạng này đã gây ra những thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, ban giám đốc doanh nghiệp và đặc biệt là người lao động, khiến nguồn nhân lực ngành du lịch rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch hiện không chỉ vật lộn với việc định hướng lại hoạt động và tìm kiếm nguồn khách, mà còn vật lộn với việc hỗ trợ người lao động đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập tối thiểu để duy trì cuộc sống gia đình. Chính vì vậy điều chúng tôi mong chờ hiện tại là Chính phủ có cách hỗ trợ người lao động, cũng chính là hỗ trợ một phần để doanh nghiệp tồn tại và đủ sức bền để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
2-Điều đáng lo ngại là những khó khăn này ngày càng trầm trọng và chưa biết khi nào có thể khắc phục, bởi các thị trường khách du lịch trong điểm của Đà Nẵng đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Nếu như các nước Hàn Quốc, Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua đỉnh của dịch thì các nước Châu Âu vẫn đang phải tích cực đối phó. Do vậy, chúng tôi rất khó tiên đoán được thời điểm cụ thể để du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung phục hồi. Diễn biến của dịch Covid-19 rất bất ngờ và phức tạp. Trước đây, vào thời điểm cuối tháng 2, chúng tôi đã lập kế hoạch để kích cầu du lịch và tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tất cả những phương án đặt ra đều đã bị “lỗi thời” và cần phải thay đổi lại để có thể thích ứng với tình hình. Hiện nay, một số nước ở Châu Á đã qua đỉnh dịch và dần phục hồi cũng như áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đây sẽ là những thị trường mà chúng ta cần nhắm đến, bởi Việt Nam cũng là một trong những nước ở khu vực đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và có khả năng là điểm đến được ưu tiên lựa chọn sau khi đẩy lùi dịch Covid-19.
3-Trong thời điểm dịch bệnh đang tàn phá nền kinh tế, làm cho hàng loạt doanh nghiệp trong đó có ngành du lịch rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay thì việc Chính phủ xem xét ban hành nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là hành động hết sức cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chia sẻ nguồn lực ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Có thể nói chính sách gia hạn thuế sẽ giúp doanh nghiệp sống sót một phần ở vào thời điểm cực kỳ căng thẳng này. Nhưng để phục hồi thì doanh nghiệp sẽ còn rất nhiều việc phải làm và huy động từ nhiều nguồn tài chính khác mới có khả năng thực hiện được việc vực dậy hoạt động. Bên cạnh đó, việc vẫn phải nộp đủ thuế vào cuối năm 2020 là một thách thức lớn với các doanh nghiệp du lịch, bởi việc hồi phục không thể diễn ra trong vòng 2-3 tháng mà có khi hàng năm trời và chắc chắn sẽ phải kéo dài qua đến năm 2021. Theo đề nghị từ các doanh nghiệp thì chúng tôi mong muốn Chính phủ gia hạn việc nộp các khoản thuế và thuế đất vào giữa năm 2021 hoặc thậm chí cân nhắc đến khi nào doanh nghiệp hoạt động trở lại và kinh doanh có lãi thì mới tiến hành nộp đủ.
4-Dịch bệnh sẽ qua đi và sự trở lại của thị trường du lịch sẽ vô cùng mạnh mẽ. Từ kinh nghiệm của các đợt đại dịch trước đây như dịch Sars, khi dịch bệnh đi qua thì sự tăng trưởng du lịch rất đột biến, vì vậy ngành du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cần phải chuẩn bị sẵn những kịch bản và nguồn lực về tài chính để có thể quảng bá kịp thời hình ảnh một Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và là một trong những lựa chọn đầu tiên của du khách. Nếu chúng ta không chuẩn bị những chiến lược quảng bá cũng như tranh thủ thời gian thích hợp thì rất dễ để vuột mất cơ hội quan trọng sau dịch bệnh, đánh mất đi những thị trường vốn đã mang lại thành công cho Đà Nẵng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… Với số lượng 40.000 phòng như hiện nay của Đà Nẵng thì chúng ta phải luôn tập trung và kiên trì với những thị trường khách đông, như vậy các doanh nghiệp du lịch mới có khả năng phục hồi nhanh chóng. Các thị trường khác đương nhiên chúng ta cũng phải quan tâm và không ngừng quảng bá, xúc tiến như Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, khi các quốc gia này vượt qua được đỉnh của dịch. Tôi tin thế giới sẽ có cách để phục hồi. Việc tận dụng những cơ hội đúng thời điểm sẽ là cách hữu hiệu và thiết thực nhất để thành phố, trung ương đồng hành cùng doanh nghiệp doanh nghiệp du lịch.
5-Đây thật sự là thời điểm vô cùng khó khăn với tất cả chúng ta, song điều quan trọng là chúng ta biết tận dụng “quãng lặng” này để sắp xếp, chỉnh đốn và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn của ngành du lịch thành phố. Ban điều hành Hội khách sạn Đà Nẵng cũng đã có những trao đổi với các hội viên, trước tiên là để cùng tìm cách đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể cầm cự (mức độ lỗ ít nhất và người lao động có nguồn thu nhất định). Đây cũng chính là thời gian chúng tôi nhìn lại, xem xét và sắp xếp cơ cấu khách, thị trường du lịch, tìm kiếm và nhận định những khu vực tiềm năng có thể tận dụng được và mang lại năng suất cao mà chưa được nhìn ra và quan tâm đúng mức ở thời điểm kinh doanh đông khách. Chính thời điểm khủng hoảng này sẽ giúp những người làm du lịch định hình lại nhận thức, tư duy, thái độ, cách ứng xử trong kinh doanh và từ đó chủ động xây dựng kịch bản phát triển cho tương lai, khi dịch bệnh đi qua.
Nguyên Trần (Ghi)

ĐÂU CHỈ LÀ CHUYỆN CÔNG NGHỆ…

Du khách thường không đến một địa điểm mới để xem “show” công nghệ, mà để trải nghiệm những nét văn hóa khác biệt. Họ có thể được dẫn đường bởi những tiện ích, nhưng quyết định quay trở lại khi nơi đó thật sự hấp dẫn và thú vị. Vậy nên câu hỏi chúng ta thông minh như thế nào chỉ có thể được trả lời dựa trên chất lượng tổng hòa của rất nhiều yếu tố, đa phần nằm ngoài máy móc.
Hãy để tôi giúp bạn dễ hình dung hơn những điều vừa đề cập. Nếu quan tâm đến du lịch, hẳn bạn cũng biết, những năm gần đây, các mô hình đánh giá về khả năng thu hút của điểm đến (Attractiveness) đang rất phổ biến trên toàn thế giới. Trong đó, phải kể đến đánh giá của trang web TripAdvisor, nơi mà các tiêu chí xuất phát từ nhận thức của khách du lịch. Phương pháp đánh giá TripAdvisor áp dụng không giống những trang web khác, họ sử dụng một thuật toán độc quyền để phân tích ý kiến và phản hồi của người truy cập về điểm đến du lịch. Cụ thể hơn, thuật toán sẽ phân tích dựa trên nội dung, số lượng, và tính cập nhật của ý kiến đánh giá đối với các tiêu chí liên quan đến chất lượng của địa phương – được thu thập thông qua công cụ trực tuyến. Ưu điểm của phương pháp này là các ý kiến đánh giá luôn mang tính cập nhật, luôn mới và có độ chính xác cao. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của một điểm đến được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố, nhưng để kết nối, lan tỏa cũng như nhìn nhận, phân tích và đánh giá chúng một cách hiệu quả, chắc chắn cần có sự giúp sức của công nghệ, cái mà tôi vẫn nhìn nhận là yếu tố bổ trợ mang tính chất quyết định trong phát triển du lịch hiện đại.
Vậy yếu tố mang tính chất quyết định đó được quyết định bởi những yếu tố nào cho sự thành công? Tôi không hỏi bạn điều này, để tôi trả lời giúp bạn.
Thực tế, một số thành phố lớn trên thế giới đã tạo dựng được hệ sinh thái thông minh và xem đây như là cách phát triển du lịch bền vững; ngược lại, vẫn còn nhiều nơi đang vật lộn với du lịch thông minh, bởi phía sau công nghệ là cả một dây chuyền vấn đề về con người, hạ tầng, việc kết nối dữ liệu và chính sách đang đặt ra như những thách thức không hề nhỏ… Trước hết, một hệ thống quản lý điểm đến thông minh luôn cần phải có dữ liệu để thực hiện các chức năng, đáp ứng các nhu cầu từ nhiều phía sử dụng. Do đó, việc khai thác sức mạnh công nghệ phải đến từ quyết tâm xây dựng những quy chuẩn chung về thông tin dữ liệu, thiết lập một cơ sở dữ liệu có tính nhất quán cao, tích hợp tốt đồng thời phải có tính mở (để thuận lợi cho việc chia sẻ trao đổi dữ liệu với các ngành có liên quan) sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển các khả năng của du lịch thông minh tại địa phương. Để làm được việc này, cần có sự tham gia tích cực của nhiều bên: nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng.
Với du khách, để “tận hưởng” những chuyến đi thông minh, họ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Nhưng với địa phương nơi họ đến, đó là một câu chuyện dài trong thu thập và tổng hợp, phân tích hành vi, cảm nhận. Ứng dụng du lịch thông minh cần hiểu được tâm lý du khách, phải có nhiều thông tin của du khách mới cung cấp được cái họ cần, từ đó lôi kéo, hấp dẫn họ tiếp tục quay trở lại. Muốn vậy chúng ta phải xây dựng các tiêu chuẩn cấu trúc, thông tin dữ liệu, kết nối chúng với nhau và tránh giẫm chân giữa các bộ phận. Điều này giúp người làm du lịch đoán trước được du khách sẽ tổ chức các chuyến đi của mình ra sao? Họ cần gì và nghỉ ở đâu, trong bao lâu?... Chất lượng nhân sự du lịch cũng rất quan trọng, ngành du lịch cần người giỏi để đáp ứng và xử lý các dữ liệu thông minh.
Khách du lịch luôn dành rất nhiều tâm huyết và kỳ vọng cho mỗi chuyến đi, nếu chỉ để trải nghiệm công nghệ, họ có thể làm điều đó ở nhà. Một địa điểm du lịch không chứa đựng những khác biệt và điểm nhấn về văn hóa thì dù công nghệ có phát triển mạnh cỡ nào cũng không hấp dẫn và khiến khách quay trở lại. Các nhà làm du lịch thừa nhận thời đại công nghệ đang đặt ra nhiều thách thức mới, không chỉ ở khía cạnh công nghệ mà còn ở việc bảo tồn những giá trị của quá khứ. Công nghệ chỉ thông minh khi giải quyết được bài toán thúc đẩy du lịch, khai thác “nguồn vốn lịch sử” của điểm đến. Ngay cả khi đã có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, thì điều quan trọng chiếm vị trí cốt lõi vẫn phải là các sản phẩm và chất lượng dịch vụ cung cấp. Trong một Hội thảo quốc tế về Du lịch thông minh diễn ra vào năm 2019, Giáo sư Perry Hobson, Đại học Sunway (Malaysia) cho rằng: “Điều quan trọng làm nên thương hiệu du lịch của mỗi đất nước vẫn là du lịch khám phá, trải nghiệm di sản, văn hóa. Việc khai thác những địa danh, công trình, kiến trúc cổ có giá trị văn hóa, lịch sử, kết hợp với công nghệ cao sẽ tạo nên sản phẩm du lịch thông minh và phát triển bền vững”.
Tiếp nữa, việc thiếu đồng bộ về phát triển cơ sở hạ tầng cũng là một trong những vấn đề lớn mà các địa phương cần phải giải quyết nếu muốn phát triển du lịch thông minh. Chẳng hạn, nhiều điểm đến muốn tạo các website để cập nhật thông tin, giới thiệu những điểm tham quan, lịch trình các tuyến xe, các hoạt động du lịch… phục vụ du khách nhưng điều này không thể thực hiện được nếu hạ tầng giao thông, internet còn yếu kém. Và yếu tổ mà tôi để dành lại sau cuối để bạn luôn ghi nhớ, đó chính là con người. Thật chẳng thông minh chút nào nếu làm du lịch thông minh mà để người dân đứng ngoài cuộc chơi. Họ phải là những người trước tiên được hưởng lợi, và được truyền cảm hứng để làm du lịch. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được ưu-nhược điểm của các dịch vụ, tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao. Việc đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng du lịch và lợi ích, môi trường sống cho dân cư bản địa luôn là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm, chú trọng.
Phát triển du lịch thông minh cần lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ và vận dụng kinh nghiệm của các nước đã triển khai thành công. Đừng chỉ thông minh theo trào lưu, lại càng không nên làm thông minh nửa vời. Du lịch vốn đã là một lĩnh vực chứa đựng nhiều sự sôi động và biến động, nếu lấy thông minh đích thực làm trục, chúng ta có khả năng cao hơn để phát triển du lịch bền vững. Tất nhiên, thông minh ở đây không chỉ là chuyện của công nghệ!
Lê Anh

"#HELLODANANG"


1. Trong thời đại 4.0, sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận, chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến, nơi lưu trú của du khách. Dưới đây là một ví dụ cụ thể. Vào tháng 6/2018, cây cầu Vàng tại khu du lịch Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng chính thức ra mắt. Ngay lập tức nó khiến cả thế giới "phát cuồng" khi đổ bộ và gây ra cơn bão truyền thông trên khắp các website, fanpage, chuyên mục du lịch của báo chí và mạng xã hội quốc tế. Đạt kỷ lục với hơn 19 triệu lượt xem chỉ trong vòng một tháng đăng tải trên fanpage du lịch “Amazing things in Vietnam”; xuất hiện trên https://www.archdaily.com, trang web kiến trúc nổi tiếng toàn cầu của Mỹ; cầu Vàng đã trở thành điểm đến được du khách trong và ngoài nước "săn lùng" trong suốt một thời gian dài. Đây cũng chính là một trong những dẫn chứng cho thấy sức mạnh của công nghệ trong việc quảng bá sản phẩm du lịch.
2. Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng công nghệ đã và đang là xu hướng bùng nổ của du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Và Đà Nẵng không nằm ngoài xu hướng đó. Trước sự phát triển và nhu cầu cấp thiết của ngành du lịch, từ rất sớm, thành phố đã triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh.  Qua đó, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị cao, tăng tiện ích cho khách du lịch, nâng cao và hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách, giúp phát triển ngành du lịch ngày càng hiện đại hơn. Cụ thể, từ năm 2004, ngành Du lịch thành phố đã bắt tay vào xây dựng và vận hành Cổng thông tin du lịch với 5 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật). Khác với những website quảng bá du lịch khác, Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng được tích hợp rất nhiều tính năng để cung cấp tiện ích cho người truy cập như: “Facebook Live Chat” (kết nối và hỏi đáp thông tin về du lịch Đà Nẵng); "Sự kiện" (cung cấp thông tin của các sự kiện du lịch lớn trong năm); tạo lịch trình bằng "Chuyến đi của bạn" hay tiện ích E-coupon nhằm giới thiệu các gói khuyến mãi… Tháng 12/2016, Đà Nẵng đi tiên phong khi là thành phố đầu tiên trên cả nước ra mắt Ứng dụng khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động "Danang FantastiCity Ver 1.0" trên 2 hệ điều hành Android và IOS. Ứng dụng có tính năng liên kết đa nền tảng giữa Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng và các thiết bị di động, giúp người dùng thuận tiện trong việc tra cứu các điểm tham quan, lưu trú, ẩm thực, lễ hội - sự kiện... Điểm mạnh của ứng dụng này là giúp du khách có thể tự vạch ra kế hoạch cho chuyến đi của mình. Người dùng chỉ cần chọn thời gian du lịch, mức chi phí và sở thích, Danang FantastiCity sẽ tự động đưa ra một lịch trình phù hợp và trên cơ sở đó, người dùng có thể dễ dàng thay đổi các địa điểm và thời gian theo sở thích và nhu cầu cụ thể. Bên cạnh đó, du khách vẫn có thể sử dụng ứng dụng này tại điểm đến mà không cần kết nối wifi, 3G, đây cũng được xem là một trong những ưu điểm lớn nhất của ứng dụng. Tháng 4/2018, với việc chính thức đưa ứng dụng Chatbot Danang FantastiCity vào hoạt động sau 6 tháng thí điểm, Đà Nẵng trở thành một trong hai thành phố đầu tiên tại Đông Nam Á đưa ứng dụng công nghệ Chatbot vào du lịch. Chatbot Danang FantastiCity là ứng dụng được tích hợp trên nền tảng các mạng xã hội, đồng thời tương thích với các loại điện thoại di động thông minh. Người dùng đưa ra các yêu cầu dưới dạng lời nói hoặc gõ chữ và chương trình Chatbot sẽ trả lời các câu hỏi này. Chatbot Danang FantastiCity giúp du khách khám phá du lịch Đà Nẵng, tìm kiếm các điểm tham quan, sự kiện, ẩm thực, lưu trú, đi lại, tình hình thời tiết và những thông tin du lịch cần biết (nhà vệ sinh cộng cộng, vị trí các cây ATM, số điện thoại đường dây nóng…) một cách đơn giản và nhanh chóng nhất. Ứng dụng hoạt động liên tục 24/7 và thường xuyên được cập nhật các thông tin mới, những sự kiện đặc sắc, khuyến mãi mới.

3. Việc quảng bá du lịch thông qua các công cụ mạng xã hội và mạng chia sẻ như Facebook, Youtube, Twitter, Instagram..., triển khai Bản tin điện tử du lịch (E - Newsletter) và bộ ấn phẩm marketing du lịch điện tử đa ngôn ngữ cũng được Đà Nẵng đặc biệt chú trọng. Ngành du lịch thành phố đã hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên blogger du lịch, khai thác sức mạnh của truyền thông KOL, tổ chức các cuộc thi trực tuyến về du lịch Đà Nẵng. Gần đây nhất, Sở Du lịch đã phối hợp với TikTok (một ứng dụng mạng xã hội trên nền tảng video âm nhạc) triển khai chiến dịch quảng bá du lịch mang tên “Tôi yêu Đà Nẵng”. Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng người dùng TikTok và du khách tham quan tại thành phố Đà Nẵng thông qua chuỗi hoạt động thú vị, nổi bật là trào lưu quay video "#helloDaNang". Theo đó, 2.368 video gắn hashtag #helloDaNang chia sẻ những góc nhìn lý thú, những thông tin bổ ích về nét đẹp, ẩm thực và con người Đà Nẵng, đã thu hút hơn 7,6 triệu lượt xem trong vòng 7 ngày kể từ khi chiến dịch chính thức được ra mắt, qua đó lan toả hình ảnh về một Đà Nẵng trẻ trung và sáng tạo hơn bao giờ hết.
4. Hệ thống wifi công cộng miễn phí trên toàn thành phố; hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động bằng cách quét mã QR Code được gắn cho hiện vật tại bảo tàng Đà Nẵng hay hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình cung cấp các thông tin như lộ trình, vị trí, thời gian dự kiến đến trạm của các xe buýt được tích hợp vào ứng dụng di động DanaBus... Đó là 3 trong số những giải pháp đã được triển khai nhằm xây dựng một môi trường du lịch thông minh tại Đà Nẵng. Trong thời gian sắp tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống du lịch thông minh bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển hệ thống giám sát du lịch, phát hành thẻ du lịch thông minh đồng thời phát triển ứng dụng thực tế ảo trong du lịch... Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực dài hạn hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn nhằm đáp ứng một cách tốt nhất cho mô hình thành phố du lịch thông minh.  
Kiều Thu


MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA DU LỊCH THÔNG MINH VÀ MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ


Mối tương quan giữa loại hình du lịch thông minh với mô hình kinh tế chia sẻ được hiểu ra sao? Đó chính là mối liên hệ “cộng sinh”: Kinh tế chia sẻ là nền tảng xây dựng các chuỗi dịch vụ trong du lịch thông minh; Ngược lại du lịch thông minh sẽ thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế này.
Du lịch thông minh     
Du lịch thông minh là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ và truyền thông. Loại hình này có thể được xem như một sự phát triển hợp lý từ nền tảng du lịch truyền thống và du lịch điện tử, lấy cơ sở từ những đổi mới và định hướng công nghệ của ngành công nghiệp du lịch trong bối cảnh phát triển rộng rãi của thông tin và truyền thông. Du lịch thông minh tạo ra sự tương tác, kết nối chặt chẽ và hiệu quả giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng được công nghệ hóa. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ triệt để phục vụ khách du lịch, đảm bảo sự phát triển bền vững, tiếp cận thuận lợi với du khách, giúp gia tăng chất lượng của trải nghiệm và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Người tham gia mô hình này cũng là những du khách thông minh. Họ không chỉ tiêu thụ mà còn chia sẻ kinh nghiệm du lịch và tạo ra trải nghiệm.
Trong khi đó, thành phố thông minh được định nghĩa là một điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên một cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến đảm bảo sự phát triển bền vững các khu vực du lịch, tạo thuận lợi cho sự tương tác của khách truy cập và hội nhập vào môi trường xung quanh, làm tăng chất lượng của trải nghiệm tại điểm đến, và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ví dụ: Barcelona cung cấp xe đạp trên khắp thành phố và khách du lịch có thể kiểm tra vị trí của họ thông qua một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, qua đó thúc đẩy giao thông thân thiện với môi trường xung quanh thành phố; Seoul đầu tư rất nhiều vào việc cung cấp miễn phí Wi-Fi cũng như điện thoại thông minh cho khách du lịch, hay đảo Jeju ở Hàn Quốc là một trung tâm du lịch thông minh sử dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp nội dung cho khách du lịch. Như vậy, điều quan trọng là những nỗ lực phối hợp với các khoản đầu tư chiến lược để thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính bền vững thông qua việc làm giàu cơ sở vật chất. Làm được điều này, điểm đến thông minh sẽ phát huy tối đa hiệu quả của nó, xứng đáng là trái tim và cũng là động lực cho việc xây dựng đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, du lịch thông minh còn được tạo ra bởi sự tập hợp các nỗ lực tại một điểm đến để thu thập thông tin và tổng hợp; khai thác dữ liệu có nguồn gốc từ cơ sở hạ tầng vật chất, các kết nối xã hội, các nguồn chính phủ; tổ chức cùng với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để chuyển đổi dữ liệu đó thành kinh nghiệm trực tuyến và các đề xuất giá trị kinh doanh với trọng tâm rõ ràng về hiệu quả và sự bền vững. Tuy nhiên, sự phối hợp, chia sẻ rộng rãi, có hệ thống cũng như việc khai thác dữ liệu du lịch để tạo ra giá trị vẫn còn rất mới mẻ. Các sáng kiến du lịch thông minh trên khắp thế giới đang tìm cách xây dựng các hệ sinh thái du lịch thông minh và có thể trong tương lai du lịch sẽ cung cấp bối cảnh tiên phong cho nhiều công nghệ thông minh. Đối tượng du khách của loại hình du lịch thông minh là người biết sử dụng công nghệ thông tin, biết khai thác triệt để những ứng dụng mà ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) mang lại.
Kinh tế chia sẻ 
Kinh tế chia sẻ (sharing economy) là một mô hình kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Có ba yếu tố chính cho phép chia sẻ các nguồn lực cho một loạt rộng rãi các hàng hóa và dịch vụ mới cũng như các ngành mới: Thứ nhất, hành vi của khách hàng đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thay đổi từ sở hữu đến chia sẻ. Thứ hai, các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng liên kết người tiêu dùng hơn. Thứ ba, các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử giúp cho việc sử dụng hàng hóa được chia sẻ và các dịch vụ thuận tiện hơn.
Thâm nhập vào thị trường Việt Nam vài năm trở lại đây, kinh tế chia sẻ được đánh giá sẽ có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế Việt nói chung và ngành du lịch nói riêng trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những start-up công nghệ. Các chuyên gia cho rằng loại hình kinh tế này không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà sẽ trở thành một môi trường kinh doanh toàn cầu. Hàng loạt start-up thành công về du lịch đã tham gia vào thị trường như Triipme - startup bởi người Việt biến những người địa phương thành những hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch. Hay Klook - một startup cung cấp dịch vụ đặt trước các hoạt động du lịch với giá cả hợp lý. Đặc điểm chung của những start-up trong ngành này là tận dụng tốt những tiềm năng của cơ sở hạ tầng và những trải nghiệm du lịch địa phương phong phú của khu vực Đông Nam Á.
Kinh tế chia sẻ có thể có nhiều hình thức, trong đó ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp cho các cá nhân, tập đoàn, tổ chức phi lợi nhuận và chính quyền những thông tin cho phép tối ưu hóa các nguồn lực thông qua sự tái phân phối, chia sẻ và tái sử dụng các năng lực dư thừa hàng hóa và dịch vụ. Một tiền đề phổ biến là khi thông tin về hàng hóa được chia sẻ (thường là thông qua một thị trường trực tuyến), giá trị của những mặt hàng có thể tăng cho doanh nghiệp, cho các cá nhân, cho cộng đồng và cho xã hội nói chung. Đó là một mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau. Đối tượng mà mô hình kinh tế chia sẻ hướng đến là toàn bộ người tiêu dùng có sử dụng phương tiện công nghệ thông minh. Và trong số này có đối tượng người tiêu dùng sử dụng khai thác nguồn lực công nghệ thông tin đối với hoạt động du lịch. 
Mối tương quan giữa du lịch thông minh và mô hình kinh tế chia sẻ
Du lịch thông minh và kinh tế chia sẻ đều là các mô hình dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, du lịch là một hoạt động kinh tế, mang lại giá trị lợi nhuận từ phía người bán là đơn vị cung ứng du lịch cho khách hàng. Kinh tế chia sẻ là hoạt động kinh tế muốn chia sẻ những giá trị tài nguyên của người bán ra thị trường. Đây là điểm tương đồng quan trọng của hai thuật ngữ trên. Cả hoạt động du lịch và kinh tế đều mong muốn tạo thêm giá trị thặng dư chính là lợi nhuận. Điều này gắn kết mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh với nhau, chia sẻ những giá trị tốt nhất, tối ưu và hợp lý đến với người dùng là du khách. Đồng thời, du lịch thông minh phát triển sẽ kích thích mô hình kinh tế chia sẻ phát triển theo. 
Vấn đề đặt ra ở đây là mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh có làm mất đi nền kinh tế du lịch truyền thống, phá vỡ những liên kết giữa đơn vị cung ứng, nhà quản lý và du khách? Việc quản lý của Nhà nước sẽ như thế nào đối với sự phát triển của du lịch thông minh, kinh tế chia sẻ? Công nghệ thông tin thời đại công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào đời sống của đại bộ phận người dân trong xã hội nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để hiểu và ứng dụng nó. Các hệ quả từ sự sai lệch thông tin công nghệ, an ninh mạng… đang ảnh hưởng đến du lịch thông minh, mô hình kinh tế chia sẻ. Du lịch thông minh sẽ không thể thiếu sự góp mặt của mô hình kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ hướng đến thị phần khai thác từ du lịch thông minh. Đây là hai hoạt động có mối quan hệ cộng sinh luôn diễn ra cùng nhau bởi mục đích cuối cùng là khai thác nguồn lợi kinh tế từ khách hàng. Vậy giải pháp nào để tạo điều kiện cho các mô hình này phát triển và mang lại hiệu quả tối ưu cho từng lĩnh vực nói riêng và xã hội nói chung?
Cần sớm điều chỉnh và bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh. Hệ thống pháp luật điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Đồng thời cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát các hoạt động trong mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh; Chú trọng công tác an ninh mạng để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh, đồng thời đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia; Các chủ thể muốn khởi nghiệp với mô hình kinh tế chia sẻ hướng tới đối tượng khách của loại hình du lịch thông minh cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung ứng tài nguyên du lịch, đào tạo nhân lực và xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu.
ThS. Nguyễn Đình Toàn

* Giảng viên Bộ môn Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo
1. Adam Hayes, CFA, The Economic Fundamentals of the Sharing Economy, investopedia.com.
2. Hữu Tuấn (2018), “Hệ quả xấu khi mô hình kinh tế chia sẻ bị biến tướng”, Báo Đầu tư.
3. Luật du lịch (2017), (09/2017/QH14), vietnamtourism.gov.vn/index.php/docs/853
4. Ryan Downie (2016), The Sharing Economy: Financial Services Will Be Next, investopedia.com  
5. Nguyễn Phan Anh (2016), “Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016
6. Nguyễn Văn Lưu (2013), Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, NXB Văn hóa – Thông tin.
7. Thế Trần (2018), “Nền kinh tế chia sẻ đang “làm mưa, làm gió” tại trên thế giới như thế nào?”, Trí thức trẻ

8. Võ Văn Thành (2015), Tổng quan du lịch, NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
9. Vy Hương (2018), Chủ động đón nhận “kinh tế chia sẻ”,  Báo Đại biểu Nhân dân điện tử
10. http://vneconomy.vn/kinh-te-chia-se-dong-luc-moi-cho-nganh-du-lich-viet20180626102843241.html
11. https://anninhthudo.vn/giai-tri/du-lich-thong-minh-chia-khoa-de-viet-nam-hutkhach/771956.antd
12. http://kinhtedothi.vn/mo-hinh-du-lich-thong-minh-diem-nhan-phat-trien-nganhkinh-te-xanh-310544.html
13. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/25971
14. http://viethanit.edu.vn/2018/03/13/so-luoc-ve-du-lich-thong-minh/                       

15. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-trien-mohinh-kinh-te-chia-se-o-viet-nam-va-mot-so-de-xuat-139063.html
16. https://www.capapham.com/ict-la-gi-ict-la-viet-tat-cua-tu-gi-ict-trong-cong-nghethong-tin-la-gi