Là
người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ, ông Nguyễn Đức Quỳnh,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khách sạn
Đà Nẵng đã có những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất liên quan đến sự biến động, dịch
chuyển, thực trạng và khả năng phục hồi của ngành du lịch thành phố Đà Nẵng trước
ảnh hưởng của dịch Covid-19.
1-Có
một thực tế mà chúng ta đang phải đối mặt, đó là nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng
trên địa bàn thành phố đã phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc và chưa thể
xác định được ngày hoạt động trở lại. Một số khách sạn đã hoạt động lâu năm, có
nguồn lợi nhuận tích lũy thì vẫn có thể duy trì hoạt động ở mức thấp nhất, bởi
tỷ lệ thuê phòng hiện tại chỉ đạt 5-10%. Điều đó có nghĩa nếu khách sạn có 200
phòng, thì chỉ được 10-20 phòng kín, tức mỗi ngày có khoảng 40 - 50 khách, thậm
chí ít hơn. Trong khi đó, ở vào thời kỳ cao điểm, các khách sạn lớn có thể đón
400 - 500 khách một ngày. Sự sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu đang diễn
ra với tất cả các cơ sở lưu trú chứ không chỉ riêng khách sạn 4, 5 sao. Tình trạng
này đã gây ra những thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, ban giám đốc doanh nghiệp và
đặc biệt là người lao động, khiến nguồn nhân lực ngành du lịch rơi vào hoàn cảnh
khó khăn, thất nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch hiện không chỉ vật lộn với việc
định hướng lại hoạt động và tìm kiếm nguồn khách, mà còn vật lộn với việc hỗ trợ
người lao động đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập tối thiểu để duy trì cuộc sống
gia đình. Chính vì vậy điều chúng tôi mong chờ hiện tại là Chính phủ có cách hỗ
trợ người lao động, cũng chính là hỗ trợ một phần để doanh nghiệp tồn tại và đủ
sức bền để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
2-Điều
đáng lo ngại là những khó khăn này ngày càng trầm trọng và chưa biết khi nào có
thể khắc phục, bởi các thị trường khách du lịch trong điểm của Đà Nẵng đều đang
chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Nếu như các nước Hàn Quốc, Trung Quốc
tuyên bố đã vượt qua đỉnh của dịch thì các nước Châu Âu vẫn đang phải tích cực
đối phó. Do vậy, chúng tôi rất khó tiên đoán được thời điểm cụ thể để du lịch
Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung phục hồi. Diễn biến của dịch Covid-19 rất
bất ngờ và phức tạp. Trước đây, vào thời điểm cuối tháng 2, chúng tôi đã lập kế
hoạch để kích cầu du lịch và tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, đến thời điểm
hiện tại, tất cả những phương án đặt ra đều đã bị “lỗi thời” và cần phải thay đổi
lại để có thể thích ứng với tình hình. Hiện nay, một số nước ở Châu Á đã qua đỉnh
dịch và dần phục hồi cũng như áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế sự lây lan của
dịch bệnh, đây sẽ là những thị trường mà chúng ta cần nhắm đến, bởi Việt Nam
cũng là một trong những nước ở khu vực đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và có khả
năng là điểm đến được ưu tiên lựa chọn sau khi đẩy lùi dịch Covid-19.
3-Trong
thời điểm dịch bệnh đang tàn phá nền kinh tế, làm cho hàng loạt doanh nghiệp
trong đó có ngành du lịch rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay thì việc
Chính phủ xem xét ban hành nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là hành
động hết sức cần thiết. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ
trong việc chia sẻ nguồn lực ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt
qua khó khăn. Có thể nói chính sách gia hạn thuế sẽ giúp doanh nghiệp sống sót
một phần ở vào thời điểm cực kỳ căng thẳng này. Nhưng để phục hồi thì doanh
nghiệp sẽ còn rất nhiều việc phải làm và huy động từ nhiều nguồn tài chính khác
mới có khả năng thực hiện được việc vực dậy hoạt động. Bên cạnh đó, việc vẫn phải
nộp đủ thuế vào cuối năm 2020 là một thách thức lớn với các doanh nghiệp du lịch,
bởi việc hồi phục không thể diễn ra trong vòng 2-3 tháng mà có khi hàng năm trời
và chắc chắn sẽ phải kéo dài qua đến năm 2021. Theo đề nghị từ các doanh nghiệp
thì chúng tôi mong muốn Chính phủ gia hạn việc nộp các khoản thuế và thuế đất
vào giữa năm 2021 hoặc thậm chí cân nhắc đến khi nào doanh nghiệp hoạt động trở
lại và kinh doanh có lãi thì mới tiến hành nộp đủ.
4-Dịch bệnh sẽ qua đi và sự trở lại của thị trường du lịch sẽ
vô cùng mạnh mẽ. Từ kinh nghiệm của các đợt đại dịch trước đây như dịch Sars,
khi dịch bệnh đi qua thì sự tăng trưởng du lịch rất đột biến, vì vậy ngành du lịch
Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng cần phải chuẩn bị sẵn những kịch
bản và nguồn lực về tài chính để có thể quảng bá kịp thời hình ảnh một Việt Nam
là điểm đến hấp dẫn và là một trong những lựa chọn đầu tiên của du khách. Nếu
chúng ta không chuẩn bị những chiến lược quảng bá cũng như tranh thủ thời gian
thích hợp thì rất dễ để vuột mất cơ hội quan trọng sau dịch bệnh, đánh mất đi
những thị trường vốn đã mang lại thành công cho Đà Nẵng như Hàn Quốc, Trung Quốc,
Nhật Bản… Với số lượng 40.000 phòng như hiện nay của Đà Nẵng thì chúng ta phải
luôn tập trung và kiên trì với những thị trường khách đông, như vậy các doanh
nghiệp du lịch mới có khả năng phục hồi nhanh chóng. Các thị trường khác đương
nhiên chúng ta cũng phải quan tâm và không ngừng quảng bá, xúc tiến như Châu
Âu, Châu Mỹ, Châu Úc, khi các quốc gia này vượt qua được đỉnh của dịch. Tôi tin
thế giới sẽ có cách để phục hồi. Việc tận dụng những cơ hội đúng thời điểm sẽ
là cách hữu hiệu và thiết thực nhất để thành phố, trung ương đồng hành cùng
doanh nghiệp doanh nghiệp du lịch.
5-Đây
thật sự là thời điểm vô cùng khó khăn với tất cả chúng ta, song điều quan trọng
là chúng ta biết tận dụng “quãng lặng” này để sắp xếp, chỉnh đốn và hướng đến một
tương lai tươi sáng hơn của ngành du lịch thành phố. Ban điều hành Hội khách sạn
Đà Nẵng cũng đã có những trao đổi với các hội viên, trước tiên là để cùng tìm
cách đảm bảo cho các doanh nghiệp có thể cầm cự (mức độ lỗ ít nhất và người lao
động có nguồn thu nhất định). Đây cũng chính là thời gian chúng tôi nhìn lại,
xem xét và sắp xếp cơ cấu khách, thị trường du lịch, tìm kiếm và nhận định những
khu vực tiềm năng có thể tận dụng được và mang lại năng suất cao mà chưa được
nhìn ra và quan tâm đúng mức ở thời điểm kinh doanh đông khách. Chính thời điểm
khủng hoảng này sẽ giúp những người làm du lịch định hình lại nhận thức, tư
duy, thái độ, cách ứng xử trong kinh doanh và từ đó chủ động xây dựng kịch bản
phát triển cho tương lai, khi dịch bệnh đi qua.
Nguyên Trần (Ghi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét