Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
4 đã “phủ sóng” những thành tựu vượt bậc của công nghệ số tới mọi lĩnh vực,
trong đó có ngành du lịch. Công nghệ, trí tuệ nhân tạo và nhiều ứng dụng thông
minh khác đã và đang mang đến cho ngành du lịch một diện mạo mới, thông qua việc
đẩy mạnh sự bền vững trong phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, kích
thích tăng trưởng; đồng thời giúp các đơn vị du lịch giảm thời gian, nhân lực,
chi phí sản xuất, dẫn đến giảm giá thành các dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích
cho khách hàng…
“Rộng
đường” phát triển du lịch thông minh
Du lịch thông minh được phát triển
trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là
công nghệ thông tin truyền thông, nhằm tạo ra những giá trị, lợi ích, dịch vụ tốt
nhất, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch
và cộng đồng. Hiện nay trên thế giới, việc phát triển du lịch thông minh rất
sôi động. Nhiều quốc gia đã triển khai du lịch thông minh dưới các hình thức
khác nhau, tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh. Trong đó, châu Âu được
đánh giá có lợi thế hơn cả và đang dẫn đầu xu hướng phát triển mới. Ở châu Á,
nhiều điểm đến của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore cũng đã đầu tư mạnh
cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử, mã QR code, dấu vân tay để thanh
toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên
công nghệ thực tế ảo…
Tại Việt Nam, hiện cũng đã có những
tiền đề nhất định để phát triển mạnh loại hình du lịch này. Thuật ngữ “du lịch
thông minh” mới xuất hiện ở nước ta trong khoảng một vài năm trở lại đây, được
nhắc đến nhiều khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính thức diễn
ra. Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý
nhằm định hướng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào
phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Thể chế chính sách đi trước
là điều quan trọng để khai thông, mở đường và tạo điều kiện nền tảng, hành lang
pháp lý cho phát triển du lịch thông minh.
Du lịch thông minh phát triển dựa trên nền tảng xây dựng thành phố thông minh |
Cụ thể, Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ
Chính trị khẳng định và nhấn mạnh: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế
mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước".
Và để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần thực hiện đồng
bộ nhiều giải pháp, trong đó tất yếu phải có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học
công nghệ hiện đại. Nghị quyết trên cũng nêu 3 khía cạnh ứng dụng khoa học công
nghệ vào các hoạt động du lịch gồm xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực và
quản lý nhà nước. Cùng vào đó, luật Du lịch cũng khẳng định: “Nhà nước có
chính sách trong việc khuyến khích hỗ trợ các hoạt động ứng dụng khoa học, công
nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch”. Đồng thời, để tạo bước
đột phá trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban
hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP và Nghị quyết số 124/2017/NQ-CP quy định trình
tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước
ngoài nhập cảnh Việt Nam với 46 nước. Với hệ thống văn bản pháp quy trên, có thể
thấy thể chế chính sách của Việt Nam hiện tương đối đầy đủ, rõ ràng, là căn cứ
pháp lý vững chắc để triển khai phát triển du lịch thông minh.
Trải nghiệm khám phá hang Sơn Đoòng bằng công nghệ thực tế ảo tại Đà Nẵng |
Mối
liên kết mạnh mẽ giữa công nghệ và du lịch
“Du lịch Việt Nam đã phát triển rất
nhanh, đạt tốc độ phát triển kỷ lục. Nhưng đó chỉ là nhất thời, bởi thời gian
sau sẽ rất khó để đạt được mức tăng trưởng 2 con số nếu không ứng dụng khoa học
công nghệ vào phát triển du lịch thông minh, bền vững” - ông Vũ Thế Bình, Phó
Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định. Loại hình du lịch kiểu
mới này giúp tiết kiệm về nhân công, công sức và quan trọng hơn là có thể nắm bắt
trực tiếp nhu cầu từ chính du khách.
Những năm gần đây, các công nghệ
thông minh đã thực sự bùng nổ trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là sự ra đời của
các doanh nghiệp thuần túy công nghệ và sự liên kết mạnh mẽ của họ với các
doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn hay các doanh nghiệp công nghệ thông
tin, chuyên nghiên cứu để đưa ra các ứng dụng mới cho ngành du lịch. Trong năm
qua, hàng chục công ty công nghệ thông tin đã cho ra đời các công cụ giúp những
đơn vị du lịch thực hiện các giao dịch đặt phòng, đặt tour, thanh toán thuận lợi,
nhanh chóng. Có công ty công nghệ đã tiến xa hơn với việc tạo ra sàn giao dịch ảo
cho các đơn vị du lịch giao dịch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm du lịch
cũng ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin vào việc kinh doanh lưu trú, bán
tour, các dịch vụ kèm theo… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách
trong nước, quốc tế.
Du khách trải nghiệm thực tế ảo "Đi tìm Hoàng cung đã mất" ở Huế |
Theo đánh giá của nhiều chuyên
gia, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đã rất nhanh nhạy, tích cực trong tiếp cận
cách mạng công nghiệp lần thứ tư để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng
nhu cầu du lịch đa dạng của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động cải tiến
để trở thành doanh nghiệp thông minh. Các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển
khai trực tuyến, marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường;
tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua-bán, thanh
toán. Gần như 100% các doanh nghiệp du lịch trên cả nước đã có website riêng
để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi đều có
wifi miễn phí… Nhằm hỗ trợ hoạt động du lịch của du khách, các địa phương cũng
đã nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng nhiều phần mềm, tiện ích thông minh,
nhất là các tỉnh, thành phố lớn được coi là những trung tâm du lịch của cả nước.
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, là yếu tố quan trọng tạo nên một diện mạo mới cho ngành du lịch Việt Nam và thế giới. Do đó, toàn ngành du lịch Việt Nam cũng như các địa phương, doanh nghiệp vẫn cần nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ để sẵn sàng tiếp cận, thích ứng với loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, việc xác định rõ mô hình, cách thức và lộ trình triển khai sẽ giúp trung ương và địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch thông minh, tránh thực hiện dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các điểm đến hứa hẹn sẽ mang lại nền tảng chia sẻ và những trải nghiệm tốt nhất cho du khách trong tương lai.
Phát triển du lịch thông minh là xu hướng tất yếu của tương lai, là yếu tố quan trọng tạo nên một diện mạo mới cho ngành du lịch Việt Nam và thế giới. Do đó, toàn ngành du lịch Việt Nam cũng như các địa phương, doanh nghiệp vẫn cần nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ để sẵn sàng tiếp cận, thích ứng với loại hình du lịch này. Bên cạnh đó, việc xác định rõ mô hình, cách thức và lộ trình triển khai sẽ giúp trung ương và địa phương tập trung nguồn lực cho phát triển du lịch thông minh, tránh thực hiện dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các điểm đến hứa hẹn sẽ mang lại nền tảng chia sẻ và những trải nghiệm tốt nhất cho du khách trong tương lai.
Hải Triều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét