1. Trong thời đại 4.0, sự phát
triển của công nghệ thông tin đã làm thay đổi hoàn toàn phương thức tiếp cận,
chia sẻ thông tin của khách du lịch. Đặc biệt, sự bùng nổ của mạng xã hội và
các ứng dụng trên điện thoại di động tác động rất lớn đến việc lựa chọn điểm đến,
nơi lưu trú của du khách. Dưới đây là một ví dụ cụ thể. Vào tháng 6/2018, cây cầu
Vàng tại khu du lịch Sun World Ba Na Hills, Đà Nẵng chính thức ra mắt. Ngay lập
tức nó khiến cả thế giới "phát cuồng" khi đổ bộ và gây ra cơn bão
truyền thông trên khắp các website, fanpage, chuyên mục du lịch của báo chí và
mạng xã hội quốc tế. Đạt kỷ lục với hơn 19 triệu lượt xem chỉ trong vòng một
tháng đăng tải trên fanpage du lịch “Amazing things in Vietnam”; xuất hiện trên
https://www.archdaily.com, trang web kiến trúc nổi tiếng toàn cầu của Mỹ; cầu
Vàng đã trở thành điểm đến được du khách trong và ngoài nước "săn
lùng" trong suốt một thời gian dài. Đây cũng chính là một trong những dẫn
chứng cho thấy sức mạnh của công nghệ trong việc quảng bá sản phẩm du lịch.
2.
Phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng công nghệ đã và đang là xu hướng
bùng nổ của du lịch thế giới cũng như Việt Nam. Và Đà Nẵng không nằm ngoài xu
hướng đó. Trước sự phát triển và nhu cầu cấp thiết của ngành du lịch, từ rất sớm,
thành phố đã triển khai xây dựng hệ thống du lịch thông minh. Qua đó, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị cao,
tăng tiện ích cho khách du lịch, nâng cao và hoàn thiện chất lượng sản phẩm,
đem lại nhiều trải nghiệm cho du khách, giúp phát triển ngành du lịch ngày càng
hiện đại hơn. Cụ thể, từ năm 2004, ngành Du lịch thành phố đã bắt tay vào xây dựng
và vận hành Cổng thông tin du lịch với 5 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng
Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật). Khác với những website quảng bá du lịch khác,
Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng được tích hợp rất nhiều
tính năng để cung cấp tiện ích cho người truy cập như: “Facebook Live Chat” (kết
nối và hỏi đáp thông tin về du lịch Đà Nẵng); "Sự kiện" (cung cấp
thông tin của các sự kiện du lịch lớn trong năm); tạo lịch trình bằng
"Chuyến đi của bạn" hay tiện ích E-coupon nhằm giới thiệu các gói
khuyến mãi… Tháng 12/2016, Đà Nẵng đi tiên phong khi là thành phố đầu tiên trên
cả nước ra mắt Ứng dụng khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động
"Danang FantastiCity Ver 1.0" trên 2 hệ điều hành Android và IOS. Ứng
dụng có tính năng liên kết đa nền tảng giữa Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng và
các thiết bị di động, giúp người dùng thuận tiện trong việc tra cứu các điểm
tham quan, lưu trú, ẩm thực, lễ hội - sự kiện... Điểm mạnh của ứng dụng này là
giúp du khách có thể tự vạch ra kế hoạch cho chuyến đi của mình. Người dùng chỉ
cần chọn thời gian du lịch, mức chi phí và sở thích, Danang FantastiCity sẽ tự
động đưa ra một lịch trình phù hợp và trên cơ sở đó, người dùng có thể dễ dàng
thay đổi các địa điểm và thời gian theo sở thích và nhu cầu cụ thể. Bên cạnh
đó, du khách vẫn có thể sử dụng ứng dụng này tại điểm đến mà không cần kết nối
wifi, 3G, đây cũng được xem là một trong những ưu điểm lớn nhất của ứng dụng. Tháng
4/2018, với việc chính thức đưa ứng dụng Chatbot Danang FantastiCity vào hoạt động
sau 6 tháng thí điểm, Đà Nẵng trở thành một trong hai thành phố đầu tiên tại
Đông Nam Á đưa ứng dụng công nghệ Chatbot vào du lịch. Chatbot Danang
FantastiCity là ứng dụng được tích hợp trên nền tảng các mạng xã hội, đồng thời
tương thích với các loại điện thoại di động thông minh. Người dùng đưa ra các
yêu cầu dưới dạng lời nói hoặc gõ chữ và chương trình Chatbot sẽ trả lời các
câu hỏi này. Chatbot Danang FantastiCity giúp du khách khám phá du lịch Đà Nẵng,
tìm kiếm các điểm tham quan, sự kiện, ẩm thực, lưu trú, đi lại, tình hình thời
tiết và những thông tin du lịch cần biết (nhà vệ sinh cộng cộng, vị trí các cây
ATM, số điện thoại đường dây nóng…) một cách đơn giản và nhanh chóng nhất. Ứng
dụng hoạt động liên tục 24/7 và thường xuyên được cập nhật các thông tin mới,
những sự kiện đặc sắc, khuyến mãi mới.
3.
Việc quảng bá du lịch thông qua các công cụ mạng xã hội và mạng chia sẻ như
Facebook, Youtube, Twitter, Instagram..., triển khai Bản tin điện tử du lịch (E
- Newsletter) và bộ ấn phẩm marketing du lịch điện tử đa ngôn ngữ cũng được Đà
Nẵng đặc biệt chú trọng. Ngành du lịch thành phố đã hình thành và phát triển mạng
lưới cộng tác viên blogger du lịch, khai thác sức mạnh của truyền thông KOL, tổ
chức các cuộc thi trực tuyến về du lịch Đà Nẵng. Gần đây nhất, Sở Du lịch đã phối
hợp với TikTok (một ứng dụng mạng xã hội trên nền tảng video âm nhạc) triển
khai chiến dịch quảng bá du lịch mang tên “Tôi yêu Đà Nẵng”. Chiến dịch đã nhận
được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng người dùng TikTok và du khách tham
quan tại thành phố Đà Nẵng thông qua chuỗi hoạt động thú vị, nổi bật là trào
lưu quay video "#helloDaNang". Theo đó, 2.368 video gắn hashtag
#helloDaNang chia sẻ những góc nhìn lý thú, những thông tin bổ ích về nét đẹp, ẩm
thực và con người Đà Nẵng, đã thu hút hơn 7,6 triệu lượt xem trong vòng 7 ngày
kể từ khi chiến dịch chính thức được ra mắt, qua đó lan toả hình ảnh về một Đà
Nẵng trẻ trung và sáng tạo hơn bao giờ hết.
4.
Hệ thống wifi công cộng miễn phí trên toàn thành phố; hệ thống thuyết minh đa
ngữ qua thiết bị di động bằng cách quét mã QR Code được gắn cho hiện vật tại bảo
tàng Đà Nẵng hay hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình
cung cấp các thông tin như lộ trình, vị trí, thời gian dự kiến đến trạm của các
xe buýt được tích hợp vào ứng dụng di động DanaBus... Đó là 3 trong số những giải
pháp đã được triển khai nhằm xây dựng một môi trường du lịch thông minh tại Đà
Nẵng. Trong thời gian sắp tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống du lịch
thông minh bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển hệ thống giám sát du lịch,
phát hành thẻ du lịch thông minh đồng thời phát triển ứng dụng thực tế ảo trong
du lịch... Bên cạnh đó, thành phố cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực dài hạn
hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn nhằm đáp ứng một cách tốt nhất cho mô hình
thành phố du lịch thông minh.
Kiều Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét