Du
khách thường không đến một địa điểm mới để xem “show” công nghệ, mà để trải
nghiệm những nét văn hóa khác biệt. Họ có thể được dẫn đường bởi những tiện ích,
nhưng quyết định quay trở lại khi nơi đó thật sự hấp dẫn và thú vị. Vậy nên câu
hỏi chúng ta thông minh như thế nào
chỉ có thể được trả lời dựa trên chất lượng tổng hòa của rất nhiều yếu tố, đa
phần nằm ngoài máy móc.
Hãy để tôi giúp bạn dễ hình dung
hơn những điều vừa đề cập. Nếu quan tâm đến du lịch, hẳn bạn cũng biết, những
năm gần đây, các mô hình đánh giá về khả năng thu hút của điểm đến (Attractiveness) đang rất phổ biến trên
toàn thế giới. Trong đó, phải kể đến đánh giá của trang web TripAdvisor, nơi mà các tiêu chí xuất
phát từ nhận thức của khách du lịch. Phương pháp đánh giá TripAdvisor áp dụng không giống những trang web khác, họ sử dụng một
thuật toán độc quyền để phân tích ý kiến và phản hồi của người truy cập về điểm
đến du lịch. Cụ thể hơn, thuật toán sẽ phân tích dựa trên nội dung, số lượng,
và tính cập nhật của ý kiến đánh giá đối với các tiêu chí liên quan đến chất lượng
của địa phương – được thu thập thông qua công cụ trực tuyến. Ưu điểm của phương
pháp này là các ý kiến đánh giá luôn mang tính cập nhật, luôn mới và có độ
chính xác cao. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của một điểm đến được tạo nên bởi
rất nhiều yếu tố, nhưng để kết nối, lan tỏa cũng như nhìn nhận, phân tích và
đánh giá chúng một cách hiệu quả, chắc chắn cần có sự giúp sức của công nghệ,
cái mà tôi vẫn nhìn nhận là yếu tố bổ trợ mang tính chất quyết định trong phát
triển du lịch hiện đại.
Vậy yếu tố mang tính chất quyết định
đó được quyết định bởi những yếu tố nào cho sự thành công? Tôi không hỏi bạn điều
này, để tôi trả lời giúp bạn.
Thực tế, một số thành phố lớn
trên thế giới đã tạo dựng được hệ sinh thái thông minh và xem đây như là cách
phát triển du lịch bền vững; ngược lại, vẫn còn nhiều nơi đang vật lộn với du lịch
thông minh, bởi phía sau công nghệ là cả một dây chuyền vấn đề về con người, hạ
tầng, việc kết nối dữ liệu và chính sách đang đặt ra như những thách thức không
hề nhỏ… Trước hết, một hệ thống quản lý điểm đến thông minh luôn cần phải có dữ
liệu để thực hiện các chức năng, đáp ứng các nhu cầu từ nhiều phía sử dụng. Do
đó, việc khai thác sức mạnh công nghệ phải đến từ quyết tâm xây dựng những quy
chuẩn chung về thông tin dữ liệu, thiết lập một cơ sở dữ liệu có tính nhất quán
cao, tích hợp tốt đồng thời phải có tính mở (để thuận lợi cho việc chia sẻ trao
đổi dữ liệu với các ngành có liên quan) sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển
các khả năng của du lịch thông minh tại địa phương. Để làm được việc này, cần
có sự tham gia tích cực của nhiều bên: nhà quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng.
Với du khách, để “tận hưởng” những
chuyến đi thông minh, họ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh. Nhưng với địa
phương nơi họ đến, đó là một câu chuyện dài trong thu thập và tổng hợp, phân
tích hành vi, cảm nhận. Ứng dụng du lịch thông minh cần hiểu được tâm lý du
khách, phải có nhiều thông tin của du khách mới cung cấp được cái họ cần, từ đó
lôi kéo, hấp dẫn họ tiếp tục quay trở lại. Muốn vậy chúng ta phải xây dựng các
tiêu chuẩn cấu trúc, thông tin dữ liệu, kết nối chúng với nhau và tránh giẫm
chân giữa các bộ phận. Điều này giúp người làm du lịch đoán trước được du khách
sẽ tổ chức các chuyến đi của mình ra sao? Họ cần gì và nghỉ ở đâu, trong bao
lâu?... Chất lượng nhân sự du lịch cũng rất quan trọng, ngành du lịch cần người
giỏi để đáp ứng và xử lý các dữ liệu thông minh.
Khách du lịch luôn dành rất nhiều
tâm huyết và kỳ vọng cho mỗi chuyến đi, nếu chỉ để trải nghiệm công nghệ, họ có
thể làm điều đó ở nhà. Một địa điểm du lịch không chứa đựng những khác biệt và
điểm nhấn về văn hóa thì dù công nghệ có phát triển mạnh cỡ nào cũng không hấp
dẫn và khiến khách quay trở lại. Các nhà làm du lịch thừa nhận thời đại công
nghệ đang đặt ra nhiều thách thức mới, không chỉ ở khía cạnh công nghệ mà còn ở
việc bảo tồn những giá trị của quá khứ. Công nghệ chỉ thông minh khi giải quyết
được bài toán thúc đẩy du lịch, khai thác “nguồn vốn lịch sử” của điểm đến.
Ngay cả khi đã có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, thì điều quan trọng chiếm vị
trí cốt lõi vẫn phải là các sản phẩm và chất lượng dịch vụ cung cấp. Trong một
Hội thảo quốc tế về Du lịch thông minh diễn ra vào năm 2019, Giáo sư Perry
Hobson, Đại học Sunway (Malaysia) cho rằng: “Điều quan trọng làm nên
thương hiệu du lịch của mỗi đất nước vẫn là du lịch khám phá, trải nghiệm di sản,
văn hóa. Việc khai thác những địa danh, công trình, kiến trúc cổ có giá trị văn
hóa, lịch sử, kết hợp với công nghệ cao sẽ tạo nên sản phẩm du lịch thông minh
và phát triển bền vững”.
Tiếp nữa, việc thiếu đồng bộ về
phát triển cơ sở hạ tầng cũng là một trong những vấn đề lớn mà các địa phương cần
phải giải quyết nếu muốn phát triển du lịch thông minh. Chẳng hạn, nhiều điểm đến muốn tạo các website
để cập nhật thông tin, giới thiệu những điểm tham quan, lịch trình các tuyến
xe, các hoạt động du lịch… phục vụ du khách nhưng điều này không thể thực hiện
được nếu hạ tầng giao thông, internet còn yếu kém. Và yếu tổ mà tôi để dành lại
sau cuối để bạn luôn ghi nhớ, đó chính là con người. Thật chẳng thông minh chút
nào nếu làm du lịch thông minh mà để người dân đứng ngoài cuộc chơi. Họ phải là
những người trước tiên được hưởng lợi, và được truyền cảm hứng để làm du lịch. Sự
thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được ưu-nhược điểm của các dịch vụ,
tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao. Việc
đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng du lịch và lợi ích, môi trường sống cho dân cư
bản địa luôn là vấn đề cốt lõi cần được quan tâm, chú trọng.
Phát triển du lịch thông minh cần
lộ trình, bước đi phù hợp, đồng bộ và vận dụng kinh nghiệm của các nước đã triển
khai thành công. Đừng chỉ thông minh theo trào lưu, lại càng không nên làm
thông minh nửa vời. Du lịch vốn đã là một lĩnh vực chứa đựng nhiều sự sôi động
và biến động, nếu lấy thông minh đích thực làm trục, chúng ta có khả năng cao
hơn để phát triển du lịch bền vững. Tất nhiên, thông minh ở đây không chỉ là
chuyện của công nghệ!
Lê Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét