Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA DU LỊCH THÔNG MINH VÀ MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ


Mối tương quan giữa loại hình du lịch thông minh với mô hình kinh tế chia sẻ được hiểu ra sao? Đó chính là mối liên hệ “cộng sinh”: Kinh tế chia sẻ là nền tảng xây dựng các chuỗi dịch vụ trong du lịch thông minh; Ngược lại du lịch thông minh sẽ thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế này.
Du lịch thông minh     
Du lịch thông minh là hoạt động du lịch được xây dựng trên nền tảng của công nghệ và truyền thông. Loại hình này có thể được xem như một sự phát triển hợp lý từ nền tảng du lịch truyền thống và du lịch điện tử, lấy cơ sở từ những đổi mới và định hướng công nghệ của ngành công nghiệp du lịch trong bối cảnh phát triển rộng rãi của thông tin và truyền thông. Du lịch thông minh tạo ra sự tương tác, kết nối chặt chẽ và hiệu quả giữa nhà quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch. Cùng với đó là hệ thống hạ tầng được công nghệ hóa. Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ triệt để phục vụ khách du lịch, đảm bảo sự phát triển bền vững, tiếp cận thuận lợi với du khách, giúp gia tăng chất lượng của trải nghiệm và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Người tham gia mô hình này cũng là những du khách thông minh. Họ không chỉ tiêu thụ mà còn chia sẻ kinh nghiệm du lịch và tạo ra trải nghiệm.
Trong khi đó, thành phố thông minh được định nghĩa là một điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên một cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến đảm bảo sự phát triển bền vững các khu vực du lịch, tạo thuận lợi cho sự tương tác của khách truy cập và hội nhập vào môi trường xung quanh, làm tăng chất lượng của trải nghiệm tại điểm đến, và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ví dụ: Barcelona cung cấp xe đạp trên khắp thành phố và khách du lịch có thể kiểm tra vị trí của họ thông qua một ứng dụng dành cho điện thoại thông minh, qua đó thúc đẩy giao thông thân thiện với môi trường xung quanh thành phố; Seoul đầu tư rất nhiều vào việc cung cấp miễn phí Wi-Fi cũng như điện thoại thông minh cho khách du lịch, hay đảo Jeju ở Hàn Quốc là một trung tâm du lịch thông minh sử dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp nội dung cho khách du lịch. Như vậy, điều quan trọng là những nỗ lực phối hợp với các khoản đầu tư chiến lược để thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và tính bền vững thông qua việc làm giàu cơ sở vật chất. Làm được điều này, điểm đến thông minh sẽ phát huy tối đa hiệu quả của nó, xứng đáng là trái tim và cũng là động lực cho việc xây dựng đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, du lịch thông minh còn được tạo ra bởi sự tập hợp các nỗ lực tại một điểm đến để thu thập thông tin và tổng hợp; khai thác dữ liệu có nguồn gốc từ cơ sở hạ tầng vật chất, các kết nối xã hội, các nguồn chính phủ; tổ chức cùng với việc sử dụng các công nghệ tiên tiến để chuyển đổi dữ liệu đó thành kinh nghiệm trực tuyến và các đề xuất giá trị kinh doanh với trọng tâm rõ ràng về hiệu quả và sự bền vững. Tuy nhiên, sự phối hợp, chia sẻ rộng rãi, có hệ thống cũng như việc khai thác dữ liệu du lịch để tạo ra giá trị vẫn còn rất mới mẻ. Các sáng kiến du lịch thông minh trên khắp thế giới đang tìm cách xây dựng các hệ sinh thái du lịch thông minh và có thể trong tương lai du lịch sẽ cung cấp bối cảnh tiên phong cho nhiều công nghệ thông minh. Đối tượng du khách của loại hình du lịch thông minh là người biết sử dụng công nghệ thông tin, biết khai thác triệt để những ứng dụng mà ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) mang lại.
Kinh tế chia sẻ 
Kinh tế chia sẻ (sharing economy) là một mô hình kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. Có ba yếu tố chính cho phép chia sẻ các nguồn lực cho một loạt rộng rãi các hàng hóa và dịch vụ mới cũng như các ngành mới: Thứ nhất, hành vi của khách hàng đối với nhiều hàng hóa và dịch vụ thay đổi từ sở hữu đến chia sẻ. Thứ hai, các mạng xã hội trực tuyến và thị trường điện tử dễ dàng liên kết người tiêu dùng hơn. Thứ ba, các thiết bị di động và các dịch vụ điện tử giúp cho việc sử dụng hàng hóa được chia sẻ và các dịch vụ thuận tiện hơn.
Thâm nhập vào thị trường Việt Nam vài năm trở lại đây, kinh tế chia sẻ được đánh giá sẽ có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế Việt nói chung và ngành du lịch nói riêng trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những start-up công nghệ. Các chuyên gia cho rằng loại hình kinh tế này không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà sẽ trở thành một môi trường kinh doanh toàn cầu. Hàng loạt start-up thành công về du lịch đã tham gia vào thị trường như Triipme - startup bởi người Việt biến những người địa phương thành những hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách du lịch. Hay Klook - một startup cung cấp dịch vụ đặt trước các hoạt động du lịch với giá cả hợp lý. Đặc điểm chung của những start-up trong ngành này là tận dụng tốt những tiềm năng của cơ sở hạ tầng và những trải nghiệm du lịch địa phương phong phú của khu vực Đông Nam Á.
Kinh tế chia sẻ có thể có nhiều hình thức, trong đó ưu tiên sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp cho các cá nhân, tập đoàn, tổ chức phi lợi nhuận và chính quyền những thông tin cho phép tối ưu hóa các nguồn lực thông qua sự tái phân phối, chia sẻ và tái sử dụng các năng lực dư thừa hàng hóa và dịch vụ. Một tiền đề phổ biến là khi thông tin về hàng hóa được chia sẻ (thường là thông qua một thị trường trực tuyến), giá trị của những mặt hàng có thể tăng cho doanh nghiệp, cho các cá nhân, cho cộng đồng và cho xã hội nói chung. Đó là một mô hình kết nối để những người tiêu dùng có thể tận dụng nguồn lực dư thừa của nhau. Đối tượng mà mô hình kinh tế chia sẻ hướng đến là toàn bộ người tiêu dùng có sử dụng phương tiện công nghệ thông minh. Và trong số này có đối tượng người tiêu dùng sử dụng khai thác nguồn lực công nghệ thông tin đối với hoạt động du lịch. 
Mối tương quan giữa du lịch thông minh và mô hình kinh tế chia sẻ
Du lịch thông minh và kinh tế chia sẻ đều là các mô hình dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Cụ thể, du lịch là một hoạt động kinh tế, mang lại giá trị lợi nhuận từ phía người bán là đơn vị cung ứng du lịch cho khách hàng. Kinh tế chia sẻ là hoạt động kinh tế muốn chia sẻ những giá trị tài nguyên của người bán ra thị trường. Đây là điểm tương đồng quan trọng của hai thuật ngữ trên. Cả hoạt động du lịch và kinh tế đều mong muốn tạo thêm giá trị thặng dư chính là lợi nhuận. Điều này gắn kết mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh với nhau, chia sẻ những giá trị tốt nhất, tối ưu và hợp lý đến với người dùng là du khách. Đồng thời, du lịch thông minh phát triển sẽ kích thích mô hình kinh tế chia sẻ phát triển theo. 
Vấn đề đặt ra ở đây là mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh có làm mất đi nền kinh tế du lịch truyền thống, phá vỡ những liên kết giữa đơn vị cung ứng, nhà quản lý và du khách? Việc quản lý của Nhà nước sẽ như thế nào đối với sự phát triển của du lịch thông minh, kinh tế chia sẻ? Công nghệ thông tin thời đại công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào đời sống của đại bộ phận người dân trong xã hội nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện để hiểu và ứng dụng nó. Các hệ quả từ sự sai lệch thông tin công nghệ, an ninh mạng… đang ảnh hưởng đến du lịch thông minh, mô hình kinh tế chia sẻ. Du lịch thông minh sẽ không thể thiếu sự góp mặt của mô hình kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ hướng đến thị phần khai thác từ du lịch thông minh. Đây là hai hoạt động có mối quan hệ cộng sinh luôn diễn ra cùng nhau bởi mục đích cuối cùng là khai thác nguồn lợi kinh tế từ khách hàng. Vậy giải pháp nào để tạo điều kiện cho các mô hình này phát triển và mang lại hiệu quả tối ưu cho từng lĩnh vực nói riêng và xã hội nói chung?
Cần sớm điều chỉnh và bổ sung kịp thời các văn bản pháp quy để quản lý tốt hoạt động kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh nhằm khai thác tối đa tiềm năng, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh. Hệ thống pháp luật điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Đồng thời cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát các hoạt động trong mô hình kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh; Chú trọng công tác an ninh mạng để tạo nền tảng tốt cho sự phát triển và thành công của kinh tế chia sẻ và du lịch thông minh, đồng thời đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia; Các chủ thể muốn khởi nghiệp với mô hình kinh tế chia sẻ hướng tới đối tượng khách của loại hình du lịch thông minh cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung ứng tài nguyên du lịch, đào tạo nhân lực và xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu.
ThS. Nguyễn Đình Toàn

* Giảng viên Bộ môn Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Tài liệu tham khảo
1. Adam Hayes, CFA, The Economic Fundamentals of the Sharing Economy, investopedia.com.
2. Hữu Tuấn (2018), “Hệ quả xấu khi mô hình kinh tế chia sẻ bị biến tướng”, Báo Đầu tư.
3. Luật du lịch (2017), (09/2017/QH14), vietnamtourism.gov.vn/index.php/docs/853
4. Ryan Downie (2016), The Sharing Economy: Financial Services Will Be Next, investopedia.com  
5. Nguyễn Phan Anh (2016), “Mô hình nền kinh tế chia sẻ và gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Tài chính kỳ II, số tháng 7/2016
6. Nguyễn Văn Lưu (2013), Xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, NXB Văn hóa – Thông tin.
7. Thế Trần (2018), “Nền kinh tế chia sẻ đang “làm mưa, làm gió” tại trên thế giới như thế nào?”, Trí thức trẻ

8. Võ Văn Thành (2015), Tổng quan du lịch, NXB Văn Hóa – Văn Nghệ
9. Vy Hương (2018), Chủ động đón nhận “kinh tế chia sẻ”,  Báo Đại biểu Nhân dân điện tử
10. http://vneconomy.vn/kinh-te-chia-se-dong-luc-moi-cho-nganh-du-lich-viet20180626102843241.html
11. https://anninhthudo.vn/giai-tri/du-lich-thong-minh-chia-khoa-de-viet-nam-hutkhach/771956.antd
12. http://kinhtedothi.vn/mo-hinh-du-lich-thong-minh-diem-nhan-phat-trien-nganhkinh-te-xanh-310544.html
13. http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/25971
14. http://viethanit.edu.vn/2018/03/13/so-luoc-ve-du-lich-thong-minh/                       

15. http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/phat-trien-mohinh-kinh-te-chia-se-o-viet-nam-va-mot-so-de-xuat-139063.html
16. https://www.capapham.com/ict-la-gi-ict-la-viet-tat-cua-tu-gi-ict-trong-cong-nghethong-tin-la-gi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét