Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

CÂU CHUYỆN ĐẦU BẾP KỂ…


Làm một người đầu bếp, là chọn làm một người nghệ sĩ, là chọn hi sinh để theo đuổi một đam mê. Mấy ai thấu hiểu và trân trọng, rằng đằng sau những món ăn ngon kia là cả một câu chuyện, cả một trời tâm huyết, những miệt mài sáng tạo không ngừng nghỉ. Mấy ai hiểu được rằng, ẩm thực, là cái nôi gắn kết những con người, những nền văn hoá, những giá trị vô giá…


Như câu chuyện của anh Nguyễn Văn Hưng - người đầu bếp tài năng bước ra từ chương trình “Đầu Bếp Thượng Đỉnh – Top Chef Việt Nam” - hơn mười một năm trong nghề, bắt đầu từ vị trí của một phụ bếp đầy vất vả, gian nan, chấp nhận mọi áp lực để nuôi dưỡng đam mê. Tuổi trẻ ấy, anh dành trọn cho căn bếp. Và nó đã đưa anh đến ngày hôm nay - Tổng bếp trưởng của một nhà hàng đẳng cấp quốc tế, nơi anh mang đến cho hàng nghìn thực khách không chỉ câu chuyện của ẩm thực, mà còn là những giá trị của văn hóa, chiêm nghiệm.

Rất nhiều đầu bếp trẻ địa phương đã may mắn được lắng nghe những chia sẻ đầy cảm hứng của anh trong một buổi chiều cuối năm đẹp trời tại Đà Nẵng, nơi căn bếp mang tên tình yêu – “Grubity Kitchen”. Đó là cuộc đàm đạo và giao lưu đặc biệt giữa các tài năng ẩm thực từ khắp mọi miền đất nước, nơi những câu chuyện trên con đường đến với nghề bếp được sẻ chia; nơi những niềm đam mê và sự cống hiến cho nền văn hoá ẩm thực được trân trọng; nơi câu chuyện ấm áp từ những căn bếp Việt được lan toả.


Nằm trong một con hẻm giữa lòng thành phố, Grubity Kitchen ra đời đến nay gần 4 tháng, được đầu tư kỹ lưỡng, hiện đại, thơm tho với một chiến lược hoạt động dài hơi đầy ý nghĩa. Nơi đây được kỳ vọng và đang dần định hình là một “Hub Ẩm thực”, với hơn 50 “workshop” lớn nhỏ đã được tổ chức, giúp trang bị cho các đầu bếp cả chuyên nghiệp và tại gia những kiến thức, kỹ năng về kinh doanh ẩm thực, xu thế ẩm thực hiện đại, từ đó hỗ trợ họ xây dựng thương hiệu cá nhân, giá trị bản thân, học cách kể câu chuyện ẩm thực để cùng làm văn hóa, làm du lịch.

Có thể thấy, thời gian gần đây, loại hình du lịch ẩm thực đang được du khách rất ưa chuộng: Những tour khám phá ẩm thực, đưa khách đi cùng đầu bếp ra chợ để chọn thực phẩm, cùng tham gia vào quá trình chế biến; hay tổ chức các lớp học nấu ăn cho du khách với sự hướng dẫn của các đầu bếp nổi tiếng; hoặc dẫn khách tới những khách sạn lớn trải nghiệm món ăn theo yêu cầu…Đó cũng là cách trải nghiệm du lịch thông qua ẩm thực mà chị La Thị Mỹ Lệ, người sáng lập Grubity Kitchen đã từng thử nghiệm và đam mê. Lệ kể: “Khi đi Miền Tây, vào chợ, mình thấy người bán hàng giới thiệu từng ngọn rau, cọng cỏ, cách họ trân quý nguyên liệu, giá trị của từng món ăn khiến mình rất xúc động và cảm nhận được sâu sắc giá trị văn hóa của địa phương. Những điều đó rất khó có được nếu bạn đặt chỗ trong một nhà hàng sang trọng.


Mình vẫn tin rằng, thông qua bữa ăn là nơi những câu chuyện được thăng hoa. Mình mong muốn có một nơi chốn để những con người có tài năng, có tình yêu với ẩm thực (họ có thể là đầu bếp chuyên nghiệp hay tại gia, chuyên gia dinh dưỡng, nhà nghiên cứu ẩm thực …) đến để cùng nấu, cùng ăn, cùng tìm hiểu về nét đẹp văn hóa và chia sẻ câu chuyện cuộc đời thông qua ẩm thực…Những trải nghiệm ấy sẽ in vào lòng người sâu đậm nhất, là một hình thức để quảng bá du lịch thiết thực nhất”. Đó chính là động lực để cô gái xứ Huế bé nhỏ đang sống giữa lòng Đà Nẵng quyết tâm hiện thực hóa ước mơ về căn bếp trong mơ. Grubity Kitchen là một dự án cộng đồng về ẩm thực ra đời lần đầu tiên tại thành phố sông Hàn, và sẽ là cái nôi để nuôi dưỡng, phát triển nền tảng ẩm thực trải nghiệm quy mô toàn cầu.

“Tại sao chỉ bán sô-cô-la trong các cửa hàng nếu bạn có thể mời mọi người đến học cách làm kẹo? Đưa ra các trải nghiệm về ẩm thực thay vì chỉ là đồ ăn sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm. Bạn không chỉ có thành phẩm để cung cấp, bạn còn có một câu chuyện để kể. Khách du lịch ẩm thực không những thích thú với đồ ăn họ thưởng thức mà còn muốn  biết nhiều hơn về lịch sử, quá trình nấu nướng và cuộc hành trình đến đĩa thức ăn. Ẩm thực góp phần gia tăng đáng kể cho giá trị chuyến đi của du khách và tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về điểm đến. Và hơn ai hết, đầu bếp chính là người giúp tiếp thêm động lực, níu chân du khách để họ quyết định quay lại lần nữa.


Xã hội hiện tại vẫn còn nhìn nhận đầu bếp là một nghề phục vụ rất đơn thuần và thiết thực. Ở Grubity, chúng tôi đã thử đảo ngược hẳn những vai trò này: đầu bếp và thực phẩm họ làm ra không chỉ được coi trọng, mà còn có cơ hội quảng bá những thành phẩm, tác phẩm của mình dễ dàng hơn. Họ được giảm bớt gánh nặng về những việc ngoài lề ẩm thực và tập trung phát triển tài nghệ chuyên môn nhất của mình, giúp phát huy tối đa tiềm năng nấu nướng và truyền cảm hứng theo những cách họ chưa từng có thể tự thực hiện trước đây. Nhiều đầu bếp tại gia rất tài năng, nhưng họ không đủ khả năng kinh doanh nhà hàng, quán ăn để giới thiệu “tài nghệ” của mình rộng rãi hơn. Đến với Grubity Kitchen, họ có cơ hội kể câu chuyện của mình thông qua ẩm thực, cơ hội tham gia vào việc thu hút du khách, phát triển du lịch…”, Lệ chia sẻ.

Căn bếp ấy, nơi tình yêu dành cho ẩm thực luôn trọn vẹn, nơi đam mê thơm như mùi bánh nướng mới ra lò, nơi luôn có những câu chuyện thú vị chờ đợi được khám phá, bạn có muốn một lần ghé chân?


Theo báo cáo toàn cầu về du lịch ẩm thực của Tổ chức du lịch thế giới, trung bình 1/3 ngân sách của khách du lịch được dành cho ẩm thực. Điều này chỉ ra rằng yếu tố này là một phần trải nghiệm của khách du lịch; 87% tổ chức, địa phương tham gia điều tra, khảo sát xác định Du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược, định hình cho thương hiệu và hình ảnh đối với điểm đến. Đây chính là cơ hội đặt ra cho những vùng đất giàu bản sắc và truyền thống văn hóa. Mới đây, tại lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) lần thứ 26 năm 2019 dành cho khu vực châu Á và châu Ðại Dương, Việt Nam lần đầu được vinh danh ở hạng mục Ðiểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á. Sự kiện này một lần nữa cho thấy, nghệ thuật ẩm thực nước ta ngày càng khẳng định sức hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế.
An Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét