Tết
đến xuân về, trăm hoa đua nở, nhà nhà háo hức chào đón một năm mới sung túc. Trong
không khí đó, bài chòi chính là một món ăn tinh thần, một thú chơi tao nhã không thể
thiếu của người dân trên dải đất miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, góp
phần tạo thêm không khí nhộn nhịp, vui vẻ vào những ngày đầu năm mới.
Nghệ thuật Bài chòi ở Đà Nẵng được lưu giữ tập trung ở các quận Cẩm
Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, nhất là ở huyện Hòa Vang. Hiện nay, trò
chơi dân gian này rất phổ biến trên địa bàn thành phố và không chỉ gói gọn
trong những ngày đầu xuân mà còn kéo dài cả tháng Giêng trong các lễ hội truyền
thống ở địa phương. Ai cũng có thể chơi Bài chòi, mỗi ván có từ một đến hai người
chơi trở lên.
Dân gian ca rằng:
Bài chòi mở
hội đầu xuân
Hội vui đón
Tết hội mừng non sông
Vui chơi cho
phỉ tấm lòng
Chờ mười hai
tháng nữa mới mong tựu tề.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân
ca và trò chơi dân gian được sản sinh ra trong quá trình lao động sản xuất và
phát triển thông qua các loại hình âm nhạc trong dân gian của người dân. Địa điểm tổ chức hô bài chòi thường là ở
chợ làng, phần lớn là ở đình làng và miếu làng. Những dụng cụ dùng trong hô bài
chòi khá đơn giản, chỉ cần một chiếc trống lớn, một bộ bài chòi có 32 quân bài, chia cho mười người, mỗi người 3 quân,
10 chòi, 2 quân để lại. Mỗi con bài có một tên, trừ một số
ít tên nôm na, dễ hiểu như: học trò, bạch huê, thái tử... còn phần lớn nghe rất
lạ tai như: ba gà, bát bồng, nọc thược, tứ cẳng, tam quăng... Tên mỗi con bài
đều có hai từ, phần lớn các từ đầu là từ chỉ số đếm, có khi là thuần Việt như ga
(gà), gảy (liễu), chín (gối), có khi là từ Hán - Việt như tam (quăng), tứ
(cẳng), lục (chạng)... Người cầm chịch
cuộc chơi gọi là “hiệu” cũng có bộ bài giống như vậy, đựng trong một ống tre
ghép, đứng trên một cái chòi cao hơn những chòi khác.
Đến sáng đầu năm người ta tổ chức hội bài chòi. Các cụ già trong làng làm
lễ cúng thổ địa, thần linh, cầu khẩn điều tốt lành cho năm mới. Trong khi đó tiếng
trống thôi thúc dân làng đến chơi hội bài chòi. Những người chơi lần lượt đến
các chòi, người hiệu mang bài và cờ đến tận chòi để bán. Khi
đến giờ hô hát, những làn điệu bài chòi được xướng lên khuấy động không khí. Những
người đóng vai “anh hiệu” cũng thay nhau cất lên lời ca mùi mẫn, ngọt ngào,
nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh để thu hút người chơi. Anh hiệu vừa hát vừa
đưa các thẻ bài mời người chơi mua thẻ để tham gia hội chơi bài chòi. Khi các
chòi đã đủ người cũng là lúc hội chơi bài chòi bắt đầu. Anh hiệu lần lượt đi đến
ống đựng con bài để rút ra từng con bài. Rút được con nào, hiệu liền hát một
câu về con bài đó rồi hô tên con bài để người chơi dò trong thẻ bài có hay
không. Khi thấy có tên con bài trùng với tên trong thẻ bài thì người chơi gõ mõ
báo cho hiệu biết. Cứ như thế, hội hô hát bài chòi trôi qua từ lượt chơi này đến
lượt chơi khác. Mỗi lượt chơi, người thắng cuộc là người có đủ tên của 3 con
bài được ghi trên thẻ bài. Người thắng sẽ được anh hiệu và chủ trò đến chòi
dâng trầu rượu cùng những lời hát chúc tụng tốt đẹp nhân dịp năm mới.
Nét độc đáo của bài chòi là mỗi khi rút ra một con bài, anh hiệu hô lên một câu ca dao, lý hoặc nói vè về con bài đó. “Anh hiệu” được xem là
nghệ nhân dân gian bởi anh có tài
năng quan sát, cảm nhận, sắp xếp các sự kiện, các lớp lang để tổ chức nghệ thuật ngôn từ rồi thể hiện
trước công chúng; Phải là người
có tài, “xuất khẩu thành thơ”, phải thuộc lòng hàng trăm bài thơ, câu ca dao, biết hát
nam, hát khách và phải biết kết hợp điệu bộ như hát bội. Theo diễn tiến của nghệ thuật hô hát, “anh hiệu” tự phân nhiều vai để diễn một tuồng
tích, một hoạt cảnh, ca cảnh... Những
câu hát của “anh hiệu” thường nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình làng
nghĩa xóm, về những sinh hoạt hằng ngày của người dân lao động… Ví dụ: Đi đâu mang sách đi hoài,
Cử nhân không thấy, tú tài cũng không (con Nhứt trò); Còn duyên làm cách làm
kiêu, Hết duyên bí thúi bầu thiu ai thèm (con Nhì bí); Chuột kêu chút chít trong rương, Anh đi kẻo
trợt đụng giường mẹ hay (con Ngũ trợt”);.… Nhiều trường hợp, anh hiệu tự ứng tác làm cho cuộc chơi thêm phần
hưng phấn.
Ngày xuân, người chơi và người xem
đến với hội bài chòi để tìm thấy sự thanh thản, yên bình khi được đắm mình
trong những lời ca, điệu hò, vừa được cùng gia đình, làng xóm vui chơi, giải trí vừa để
cầu may, cầu lộc đầu năm. Với sự hòa quyện các điệu hò, lý và
những bài ca nhạc cổ nên nghệ thuật bài chòi đã trở thành một loại hình sân khấu
được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới vào ngày 7/12/2017.
Đinh
Thị Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét