Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Lên chơi nhà cổ Tích Thiện Đường

Ở Đà Nẵng có một tuyến đường sông tham quan du lịch sinh thái xuất phát từ cảng Sông Hàn ngược lên các địa chỉ Cẩm Lệ, Túy Loan, Thái Lai. Sau khi bước chân lên bến thuyền Thái Lai ở cuối tuyến, khách sẽ được hướng dẫn lên tham quan nhà cổ Tích Thiện Đường, một điểm đến nổi tiếng ở Đà Nẵng trong mười năm trở lại đây.
Nhà cổ Tích Thiện Đường hàng trăm năm qua như một nàng công chúa ngủ quên giữa làng quê yên ả. Cho đến Tết Ất Dậu 2005, bài Hồn quê Nhà cổ trên đặc san Xuân của báo Đà Nẵng như nụ hôn của chàng hoàng tử đánh thức người đẹp ra khỏi giấc ngủ hàng thế kỷ. Từ đó, nam thanh nữ tú gần xa dần tìm đến và khám phá nơi đây ngoài vẻ đẹp cổ kính của kiến trúc xưa còn ẩn tàng những trầm tích văn hóa một thời.


Nơi tích lũy điều Thiện
Thoạt nghe đến “Tích Thiện Đường” không ít người nghĩ đến tên một hiệu thuốc Bắc. Thực ra đó là tên của một ngôi nhà cổ ở thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Chủ nhân ngôi nhà đặt tên như thế, đơn giản chỉ là muốn răn dạy con cháu làm việc Thiện.
Khách đến thăm sẽ được nghe ông Đỗ Hữu Minh, chủ nhân Tích Thiện Đường hiện nay, kể về sự ra đời của ngôi nhà cổ gần 200 năm trước.
Ông tổ 4 đời của ông, thuở thiếu thời đã phải rời quê nhà Thái Lai đi qua làng Túy Loan bên cạnh mưu sinh và lập gia đình tại đây. Sau khi cùng với người bạn đời tạo dựng được một cơ nghiệp vững vàng, ông quyết định quay về quê nhà để thực hiện sở nguyện của mình. Ngoài việc kêu gọi chư tôn tộc đóng góp làm đình làng Thái Lai, ông còn tự lo kinh phí trong việc làm nhà thờ tộc Đỗ, nhà thờ phái, lăng thờ Chư vị ở ngã ba Cây Thông, rồi cúng mỗi công trình một sào đất để bốn mùa hương khói. Xong đâu đấy, ông mới rước thợ Kim Bồng ra làm nhà cho riêng mình trong ba năm. Đến nay, ba chữ Hán đại tự “Tích Thiện Đường” trên bức hoành phi treo ngay gian giữa vẫn còn nguyên nét bút ngày xưa, thầm khuyên nhắc cháu con về những điều Thiện. 


        Lần nọ, có một người ở làng Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, bán chiếu dạo ghé qua, đọc câu đối ở gian giữa Tích Thiện đường, rồi cứ trầm ngâm mãi: Thiên địa vô tư, tích thiện tự nhiên phùng thiện/ Thánh hiền hữu giáo, tu thân khả dĩ lập thân.
Lát sau, ông nói với ông Đỗ Hữu Minh: “Xem qua câu đối này, có thể đoán biết được ông cố của chú ngày xưa là người có một tâm hồn trong sáng, một cuộc sống tự lực cánh sinh. Để lại chữ kiểu này không phải khoe khoang mà cốt để khuyên con cháu đời sau giữ gìn truyền thống gia phong: Trời đất vô tư, làm nhiều việc thiện sẽ gặp điều thiện/ Thánh hiền có dạy, biết tu thân sẽ được lập thân”. 


         Kiến trúc đậm nét Á Đông
Gần 200 năm qua, Tích Thiện Đường đã bị thời gian, môi trường và chiến tranh bào mòn nhiều thứ. Đỗ Hữu Minh đã hoàn thành được tâm nguyện của cha mình là trùng tu, tôn tạo ngôi nhà năm gian gồm đủ đông phòng, tây phòng – một cấu trúc mà không phải nhà cổ nào cũng có. Yêu thiên nhiên, quý vốn cổ, ông cất công sưu tầm các loại kỳ hoa dị thảo, các vật dụng nông nghiệp đang có nguy cơ mai một để khách đến thăm nhà có thể cảm nhận đâu đó tình quê phảng phất.
Nếu làng Phong Nam (xã Hòa Châu) độc đáo với nét quê xưa thì làng Thái Lai hút khách với nhà cổ Tích Thiện Đường – một trong những điểm đến từng được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cũ) thành phố giới thiệu trong hội thảo về du lịch đường sông do Sở tổ chức 11 năm trước. Lần đó, sau hội thảo, Khách sạn Green Plaza là đơn vị đầu tiên đưa khách lên thăm Tích Thiện Đường bằng ca-nô, tham quan nội thất, dạo quanh vườn cây. Họ chú mục vào những gàu gánh nước, cối xay bột, cối giã gạo, chum sành đựng nước... tất cả bày bên hiên nhà, gợi chút chân quê vào không gian cổ kính...



        Từ đó, nhiều đoàn khách đã đến tham quan ngôi nhà cổ đẹp nhất nhì Đà Nẵng này: Đoàn du khảo của văn nghệ sĩ thành phố Đà Nẵng, Tạp chí Văn hóa Quân đội, Cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đà Nẵng, Đài Truyền hình HTV... Và thắm thiết, chan hòa nghĩa tình là đoàn khách do một người Hải Phòng đang công tác ở Đà Nẵng đưa những đồng hương quan tâm đến kiến trúc cổ lên thăm Tích Thiện Đường. Nhiều nhà báo, nhà văn đến thăm rồi vì cảm một điều gì đó từ ngôi nhà cổ tuổi tính bằng thế kỷ này mà lưu lại cảm xúc của mình qua những bài báo, câu thơ...
4 năm trước, đoàn làm phim “Tinh hoa Võ thuật Việt Nam” của VTV4 đi khảo sát một số nơi ở Hòa Vang để làm bối cảnh ghi hình một số bài quyền, thế võ của võ Thiếu Lâm – Tây Sơn ở Đà Nẵng dưới sự chỉ đạo của võ sư Tấn Vương, Trọng tài quốc gia, Chưởng môn phái Thiếu Lâm – Tây Sơn, Chủ nhiệm CLB Võ thuật quận Cẩm Lệ. Đi qua nhiều địa điểm, cuối cùng họ quyết định chọn nhà cổ Tích Thiện Đường và nhà thờ phái Nhì tộc Đỗ làng Thái Lai gần đó bởi nét kiến trúc cổ kính đậm chất Á Đông rất thích hợp với võ thuật.


         Bao giờ có thuyền?
Từ 10 năm trước, ngành Du lịch thành phố và một số công ty lữ hành tại miền Trung đã khảo sát để mở một tuyến du lịch đường sông mới, trong đó có tuyến Cảng Sông Hàn - Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai. Thực tế cho thấy, nếu đi qua các địa chỉ này bằng đường thủy sẽ lãng mạn và nên thơ hơn.
Ngày trước, hai làng Phước Thái và Thái Lai chung nhau một bến Chè, chưa ai xác quyết đây có phải là nơi từng xuất loại chè xanh nổi tiếng (như ở làng Phú Thượng phía trên đó) xuống chợ Túy Loan hay không. Bến Chè xưa không còn nữa, nó được gọi là bến Xưa để lưu giữ những hoài niệm một thời.
Khi thành phố tiến hành mở tuyến du lịch đường sông lên Thái Lai, bến Chè xưa được đầu tư xây dựng thành một bến thuyền. Con đường mòn gập ghềnh sỏi đá dẫn xuống bến được mở rộng, bê-tông hóa, nối với đường vào nhà cổ Tích Thiện Đường. Ông Minh, ngoài cổng cũ có bảng ghi “Tích Thiện Đường” dẫn vào chính diện nhà cổ, vừa mở một cổng phụ bên trái để đón khách từ bến lên với tấm bảng ghi “Đỗ Gia Viên”.


         Dẫn xuống bến mới sát mé sông là hàng chục bậc tam cấp rộng rãi. Đây là nơi có thể tổ chức hát bài Chòi mà sân khấu lộ thiên là khoảng sân nhỏ đổ bê-tông dưới bến. Khách ngồi trên tam cấp nghe sóng vỗ rì rào dưới chân mình trong làn điệu quê hương miền Trung.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng VH&TT huyện Hòa Vang,  trong lần cùng chúng tôi ghé thăm Tích Thiện Đường cuối tháng 10 vừa rồi, cho biết thêm rằng, sau khi thành phố đầu tư xây bến mềm, UBND huyện Hòa Vang đang lập kế hoạch tiếp tục đầu tư xây dựng nhà chờ, quày vé, nhà vệ sinh với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng.


        Trước đó, sau khi được bổ nhiệm tân Giám đốc Sở Du lịch thành phố, bà Trương Thị Hồng Hạnh dẫn đầu đoàn công tác của Sở lên đây tham quan đã tư vấn một số ý tưởng nhằm phục vụ du khách với chủ nhân Tích Thiện Đường: mở một tuyến đạp xe đạp quanh làng và phát triển loại hình thuyền chèo trên sông Túy Loan. Từ gợi ý này, ông Minh đã đặt mua 10 xe đạp và 5 chiếc ghe mỗi chiếc có thể chở được 4 người do một nghệ nhân chuyên đóng ghe ở làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, đảm nhận.
Trong khuôn viên nhà cổ, giữa khu nhà lục giác dành cho khách thưởng trăng và khu homestay dành cho khách muốn nghỉ lại qua đêm sẽ là một khoảng sân đổ cát mịn để khách có thể đi chân trần hoặc đốt lửa trại bập bùng không gian xưa. Khu ẩm thực là nơi chế biến các món ăn địa phương như bánh ít, bánh lọc, mỳ Quảng...
      Tất cả đã sẵn sàng. Ông Minh hy vọng: Có bến rồi, mong sớm có thuyền đỗ bến......
Văn Thành Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét