Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

VAI TRÒ CỦA CÁC BẢO TÀNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VĂN HÓA Ở ĐÀ NẴNG

Du lịch văn hóa của một địa phương chỉ có thể phát triển như mong đợi khi các thiết chế văn hóa tại chỗ hoạt động có hiệu quả và mang tính chuyên nghiệp cao. Xét riêng trên lĩnh vực này, Đà Nẵng có nhiều lợi thế nhờ khả năng kết nối với hệ thống bảo tàng/nhà trưng bày cả công lập và ngoài công lập trên địa bàn.

Việc tìm hiểu “căn cước” của vùng đất mình đang đặt chân đến cũng là một trong những nhu cầu quan trọng đối với phần lớn du khách - nhất là với những người dành có đẳng cấp văn hóa cao. Du khách có thể dễ dàng cảm nhận tầm vóc phát triển, mức độ văn minh của một đô thị ngay khi vừa đặt chân đến. Nhưng muốn biết nơi ấy đã trải qua những trầm luân biến động như thế nào trong tiến trình lịch sử; muốn hiểu cư dân đô thị ấy đã sống một đời sống tinh thần phong phú ra sao, du khách không thể không tìm tới các bào tàng/nhà trưng bày – nơi cất giữ những giá trị văn hóa lâu đời và đặc sắc nhất của một vùng đất.
Chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nhiều năm nay, Đà Nẵng rất quan tâm kết nối hoạt động du lịch với hệ thống bảo tàng/nhà trưng bày. Nhìn những đoàn khách mỗi ngày xếp hàng vào tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm hay Bảo tàng Đà Nẵng trong khuôn viên Thành Điện Hải…, có thể thấy nhu cầu tìm hiểu văn hóa thành phố bên sông Hàn của du khách là rất lớn, rất đáng mừng mà cũng rất đáng suy nghĩ. Bởi vấn đề đặt ra là làm sao hệ thống “Lưu giữ tinh hoa văn hóa, lịch sử” này có thể duy trì một cách bền vững sức hấp dẫn vốn có và tiếp tục tạo ra hấp lực mới?
Để làm được điều đó, hệ thống Bảo tàng ở Đà Nẵng không thể không nhanh chóng hòa nhập vào xu hướng số hóa của ngành bảo tàng thế giới. Có thể nói số hóa là xu hướng tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay. Trước hết số hóa cho phép các bảo tàng giải quyết hiệu quả bài toán không gian trưng bày ngày càng trở nên “quá tải” trước nhu cầu du lịch văn hóa đang tăng cao. Khách tham quan bảo tàng có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với các bộ sưu tập hiện vật mà từng bảo tàng đang sở hữu, kể cả các bộ sưu tập quý hiếm chủ yếu lưu kho, rất ít khi được đưa ra giới thiệu với công chúng. Số hóa thông qua ứng dụng công nghệ tra cứu trên mỗi hiện vật còn giúp công chúng có thể tra cứu thông tin một cách tiện lợi ở bất cứ nơi đâu và vào bất kỳ thời gian nào.
Trở lại câu chuyện sức hấp dẫn vốn có, phải khẳng định rằng khác biệt mới làm nên giá trị, ở khía cạnh này, Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn đứng đầu bảng nhờ sự độc nhất vô nhị của mình. Bảo tàng Điêu khắc Chăm có tuổi đời cao nhất - hơn một thế kỷ, là nơi sưu tầm và trưng bày với quy mô lớn nhất thế giới các cổ vật gợi nhớ về nền văn hóa Champa một thời vang bóng. Xin nói thêm, một bảo tàng đúng nghĩa không chỉ là nơi trưng bày càng không phải là kho chứa. phải thực sự tạo nên ký ức và hơn thế - tạo nên ấn tượng. Bảo tàng Điêu khắc Chăm từng tạo nên ký ức và cả ấn tượng, nhưng điều đó không có nghĩa sẽ mãi mãi làm được như vậy.

Tượng và phù điêu trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm được dày công sưu tầm từ nhiều đền tháp Champa nằm dọc các tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Định và lần lượt “nhập tịch” vào bảo tàng này ở những thời điểm khác nhau. Quá trình sưu tầm ấy được khởi sự từ trước khi có Bảo tàng Điêu khắc Chăm và cho đến nay - sau hai lần trùng tu tôn tạo, mở rộng diện tích - vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, số lượng cổ vật cứ không ngừng tăng lên theo thời gian, dẫn tới không gian trưng bày trở nên “quá tải”. Vì thế, việc xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm thứ hai ở một địa diểm khác - đang được đặt ra như một đòi hỏi vô cùng cấp thiết, nhất là trong bối cảnh du lịch văn hóa ở thành phố bên sông Hàn đang ngày càng phát triển… 

Một giải pháp “giảm tải” nữa cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm là du lịch văn hóa Đà Nẵng có thể kết nối một bảo tàng khác chuyên trưng bày cổ vật là Bảo tàng Văn hóa Phật giáo nằm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn - chính thức khánh thành vào cuối năm 2015. Đây được xem là bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này. Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đang sở hữu một bộ sưu tập gồm mấy trăm tượng cổ/tranh cổ… phản ánh sinh động nghệ thuật tạo hình Phật giáo của Việt Nam và của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. 


Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng - mới chính thức khánh thành vào cuối năm 2016 - cũng là một bảo tàng chuyên đề có tuổi đời trẻ. Không kể Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội thì Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng là bảo tàng nghệ thuật tạo hình cấp địa phương thứ hai được thành lập - sau Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Bản thân việc hình thành một bảo tàng nghệ thuật tạo hình ở Đà Nẵng cũng đã là một hấp lực lớn đối với du khách. Thế nhưng để tạo sức thu hút riêng, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hết sức coi trọng các hoạt động giao lưu nghệ thuật tạo hình quốc tế. Chẳng hạn vào tháng 9/2017, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức thành công Chương trình Giao lưu và Triển lãm mỹ thuật Việt Nam - Lào – Campuchia; tháng 12/2017, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam tổ chức Triển lãm ảnh Nửa thế kỷ ra đời tác phẩm Trăm năm Cô đơn. Hoặc mới đây nhất, vào đầu tháng 8/2019, cuộc Giao lưu, sáng tác, triển lãm mỹ thuật quốc tế lần thứ nhất cũng được tổ chức tại Bảo tàng với sự tham gia của 6 họa sĩ Việt Nam và 19 họa sĩ đến từ 15 quốc gia trên thế giới…
Cũng xin nói thêm, với một bảo tàng mang tính chất tổng hợp như Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, cần có sự giới thiệu nghệ thuật kiến trúc của địa phương theo từng thời kỳ lịch sử, trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng. Vì thế thời gian tới Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng nên kết hợp với Hội Kiến trúc sư thành phố tiến hành tuyển chọn các công trình kiến trúc xứng đáng - từ ảnh toàn cảnh/ảnh chi tiết, hay mô hình thu nhỏ, hoặc bản vẽ mặt cắt và cấu trúc chi tiết - để sớm đưa vào lưu giữ trong Bảo tàng theo cả hai hướng: một là công trình kiến trúc có giá trị được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật trên địa bàn Đà Nẵng do các kiến trúc sư trong nước và thế giới thiết kế; và hai là các công trình kiến trúc đặc sắc do kiến trúc sư Đà Nẵng thiết kế. Đây cũng là cách để cụ thể hóa tấm “căn cước” của thành phố bên sông Hàn về phương diện kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc.   


Nói đến một bảo tàng lịch sử đang tích cực phục vụ cho sự phát triển của du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố, không thể không nhắc đến Bảo tàng Đà Nẵng - chính thức khánh thành vào năm 2011. Bảo tàng Đà Nẵng được xây dựng trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, nhưng do kiến trúc của tòa nhà không phù hợp với phong cách kiến trúc của một thành cổ, nên mới đây lãnh đạo thành phố đã quyết định dời địa điểm Bảo tàng Đà Nẵng từ trong Thành Điện Hải ra đến khu vực các tòa nhà số 42, số 44 đường Bạch Đằng và số 31 đường Trần Phú. Đây là cơ hội để Bảo tàng Đà Nẵng có thể hòa nhập sâu vào xu hướng số hóa và bảo tàng số với những tính năng ưu việt như đã nêu trên của ngành bảo tàng thế giới. Hy vọng khi Bảo tàng Đà Nẵng mới theo hướng số hóa đã được hình thành và chính thức đón khách tham quan, du lịch văn hóa Đà Nẵng sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Riêng trong khuôn viên Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, qua tiến trình trùng tu tôn tạo sẽ hình thành một nhà trưng bày chuyên đề - có khả năng ngầm hóa - nhằm giới thiệu với khách tham quan về lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc 1858-1860 do người Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đương đầu với Liên quân Pháp và Tây Ban Nha xâm lược; đồng thời góp phần giúp khách tham quan hiểu rõ hơn tấm “căn cước” của Đà Nẵng trong bước chuyển mình của lịch sử Việt Nam từ thời trung đại sang thời cận đại.


Khó có thể hình dung một Đà Nẵng đang từng ngày phát triển mà không có một nơi để trưng bày và quảng bá rộng rãi những bằng chứng vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa qua các thời kỳ. Đó cũng là một trong những mối quan tâm của du khách khi đến một thành phố được thay mặt cả nước liên tục quản lý toàn bộ quần đảo Hoàng Sa gần sáu chục năm qua. Được chính thức khánh thành vào cuối tháng 3/2018, Nhà Trưng bày Hoàng Sa - nơi giới thiệu những thông tin, tư liệu, hình ảnh giá trị về quá trình khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, do nhóm tác giả Fuminori Minakami, Trần Quốc Thành và Nguyễn Huy Quang thiết kế mang hình “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” hết sức ấn tượng. Tuy “sinh sau đẻ muộn”, nhưng công trình này đã đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu. Điều này cho thấy hấp lực của du lịch văn hóa, lịch sử là rất lớn và nhiều tiềm năng phát triển./.

Bùi Văn Tiếng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét