Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Làm thương hiệu cho món dân dã

Khi tình yêu và đam mê đã dâng đầy trong tim, thì mỗi chiếc Bánh Xèo dân dã cũng có thể trở thành một “đại sứ du lịch” để kể câu chuyện văn hóa, qua bàn tay tài hoa của người “nghệ sĩ”.


Ở Miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng, ngươi bán bánh Xèo rất nhiều. Nhưng làm bánh Xèo có thương hiệu, có chiến lược và đầu tư dài hơi như Vũ thì lại rất ít. Phải mất đến 2 năm đi dọc dài đất nước để trải nghiệm và thưởng thức những tinh hoa hương vị của từng địa phương, vùng đất, Vũ mới tự tin bắt đầu với “Ẩm thực Xèo”. Nghe nơi đâu có bánh xèo ngon, chàng trai trẻ này cũng tạm gác lại mọi công việc để sắp xếp đến “nếm” cho bằng được. Nói rằng, chưa có nơi nào trên đất Việt chưa in dấu chân Vũ lẽ cũng không ngoa, vì hiện giờ trên thực đơn của nhà hàng đã có trọn bộ các chủng loại Bánh Xèo. Chiếc bánh tròn thơm thảo là tinh hoa, bản sắc được đúc kết của cả dân tộc giới thiệu đến thực khách.

Rồi cũng chưa ai bán Bánh Xèo mà tỉ mỉ và “cầu kỳ” như Vũ, từ nếp gạo đến từng lá cải mơn mởn xanh, rồi từng con tôm, lát thịt, con mực, miếng bánh tráng…đều do Vũ tự tay chọn lựa ở những nơi có nguồn nguyên liệu sạch và ngon lành nhất. Món bánh xèo của nhà hàng vì thế không chỉ tròn vẹn về phần hương vị, mà nó còn chứa đựng cả một tấm lòng thơm thảo của người con đất Quảng dành cho quê hương mình. Xác định làm Bánh Xèo là làm văn hóa, làm du lịch, Vũ đã thiết lập ngay từ đầu một quy trình chuyên nghiệp, kỹ càng từ khâu chọn thực phẩm đến chế biến và bài trí các món ăn để đạt tính thẩm mỹ, tinh tế và sang trọng, đưa đến cho khách hàng những món ăn tươi ngon, hấp dẫn nhất.


Để đáp ứng được gu ẩm thực của khách quốc tế với những món bình dân là điều không hề dễ dàng. Làm thế nào dung hòa giữa nét ẩm thực truyền thống và hiện đại, để có sự kết hợp hài hòa về hương vị, cách thức chế biến mà vẫn giữ được cái hồn của món Quảng, từ đó tạo nên những món ăn thật sự thu hút thực khách muôn phương và để lại dấu ấn trong lòng họ? Người Hàn Quốc không ăn được rau mùi, khách Tây không thích vị mắm nêm nguyên chất…Vũ hiểu từ những điều nhỏ nhất như thế để đảm bảo dù thay đổi hay biến tấu nguyên liệu, cách thức, vẫn giữ lại được trọn vẹn nhất hương vị tuy túy, nguyên sơ của món ăn. Chỉ có thể vận hành cả một “quy trình” đó êm xuôi khi người làm đủ hiểu về món ăn, về cảm xúc của thực khách, về giá trị kết nối tuyệt vời của ẩm thực, và trên hết, là đủ đam mê và tâm huyết. Vũ tâm niệm: Khách không chỉ đến để ăn, mà còn là trải nghiệm bản sắc văn hóa, cảm thụ giá trị món ăn, tâm huyết của người đầu bếp, người thực hiện gởi gắm vào đó. 



Cũng hiếm ai kinh doanh món ăn dân dã mà trăn trở và kỳ vọng nhiều như Vũ. Khi thị trường ẩm thực tại Đà Nẵng đang rất phát triển ở các món Á, Âu, thì Ẩm thực Xèo lại chọn những món truyền thống, bình dân nhất để chinh phục. Càng khó ở chỗ mục tiêu đặt ra ngay từ đầu của Vũ là nâng tầm cho chiếc Bánh Xèo truyền thống và khẳng định thương hiệu từ sự khác biệt. Cái gì khó cũng hấp dẫn, nhưng cũng đầy gian nan. “Làm ẩm thực chính là làm văn hóa, làm văn hóa đích thực sẽ mang lại giá trị bền vững. Với tôi, làm gì cũng phải mang đến giá trị. Khách đến quán không chỉ được ăn ngon mà nhất định phải vui thích, phải có được cảm giác đã đời, sảng khoái, hạnh phúc nhất. Đó chính là “giá trị thặng dư” mà tôi mong muốn và luôn đeo đuổi”, Vũ chia sẻ.

Đến với Vũ và Xèo, du khách không chỉ được thưởng thức các món ăn truyền thống với một đẳng cấp khác, mà còn được trải nghiệm các phần trình diễn áo dài biểu diễn múa nón, bài chòi, diễn tuồng mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Thông qua đó, người hướng dẫn viên có cơ hội giới thiệu thêm cho thực khách về những nét đẹp văn hóa của Miền Trung. Biết tận dụng sự kết nối tinh tế giữa ẩm thực và văn hóa để gây ấn tượng là cách làm thông minh. Biết cái mình đam mê,  và giá trị của đam mê đó để quyết tâm theo đuổi, là điều đáng quý. 


Ở Đà Nẵng có rất nhiều điều đáng quý như thế, trong đó Vũ và Ẩm thực Xèo.
Lam Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét