Thứ Tư, 11 tháng 3, 2020

Phép cộng giữa Thiên nhiên và Văn hóa


Nếu làm một phép cộng giữa Thiên nhiên và Văn hóa bản địa sẽ có một loại hình du lịch được giới chuyên môn gọi là Du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả của một phép tính số học, bởi muốn bảo tồn và phát triển bền vững loại hình du lịch này phải gắn với giáo dục môi trường và nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng tại địa phương.


Ở Đà Nẵng, loại hình du lịch sinh thái được phát triển chủ yếu ở địa bàn Hòa Vang, huyện nông thôn duy nhất của thành phố, nơi mà thiên nhiên và văn hóa bản địa vẫn còn được con người giữ gìn, trân quý. Núi rừng, sông suối, vườn tược, ruộng đồng... hòa quyện với những nét hoa văn cổ kính, những làn điệu dân ca, điệu lý mượt mà, những đồ ăn thức uống đậm chất dân gian... luôn là “Của trời trăng gió kho vô tận” (Nguyễn Công Trứ) mời gọi du khách tìm đến rồi vì “tương tư” một điều gì đó mà khách sớm hẹn ngày quay lại...
Sơn kỳ thủy tú
Từ ngã ba đường Trường Sơn – quốc lộ 14B – quốc lộ 14G (trước là đường ĐT 604), chạy xe một mạch khoảng 15km theo quốc lộ 14G là đến một quần thể các khu du lịch sinh thái nằm dọc theo hai bờ sông Lỗ Đông - con sông bắt nguồn từ núi Kiền Kiền đổ xuống nối với sông Túy Loan. Tuy mỗi nơi một vẻ nhưng chung nhất là ý tưởng sáng tạo của con người đã bắt nhịp cùng vẻ hoang sơ của trời đất để tạo nên một hòa điệu tuyệt vời trên nền thanh âm bất tận của đại ngàn hùng vĩ.
“Lịch sử” của du lịch sinh thái phía Tây Đà Nẵng được mở ra trang đầu tiên vào năm 2008, khi Khu du lịch sinh thái Suối Hoa đi vào hoạt động. Bấy giờ, giám đốc Nguyễn Phước Hùng loay hoay mãi khi đặt tên cho “đứa con” của mình. Một bữa, phát hiện vẻ rực rỡ của rừng hoa khoe sắc bên con suối mà ông dựa vào đó để làm nên cái “xương sống” cho khu du lịch, ông bất giác reo lên “Suối Hoa” như thuở trước Công nguyên Archimèdes kêu lên “Eureka” (Tôi tìm ra rồi) khi tìm ra sức đẩy của nước!


Khi “thương hiệu” Suối Hoa ra đời được 3 năm và đi vào lòng du khách gần xa bởi nét sơn kỳ thủy tú ít nơi nào có được thì Khu du lịch sinh thái Ngầm Đôi được khai sinh với tên gọi không phải cất công tìm kiếm như trường hợp Suối Hoa. Đây là hợp lưu của hai con suối hòa nước vào nhau trước khi đổ ra sông Lỗ Đông nên cứ việc “Ngầm Đôi” mà gọi. Khu du lịch này có nhiều thác đẹp từ cảnh quan đến tên gọi như: Trinh Nữ, Thủy Tiên, Bạch Lan...
Hai năm sau nữa, Khu du lịch Thể thao – Nghỉ dưỡng sinh thái Hòa Phú Thành chính thức sánh vai cùng hai “ông anh” đi trước. Đây là khu Du lịch sinh thái được cho là có thác tự nhiên nhất Việt Nam. Diện tích 21 ha, trong đó một nửa là mặt nước, là lợi thế để nơi đây mở 3 loại trượt: trượt thác, trượt nước và trượt Zipline. Trượt Zipline còn gọi là đu dây Zipline, có độ dài 300m từ trung tâm khu du lịch băng qua sông Lỗ Đông dành cho du khách thích khám phá, mạo hiểm, trong đó chủ yếu là giới trẻ.

Rồi đến năm 2016, Khu du lịch Lái Thiêu chính thức khai trương, nơi đây tập trung nhiều loại cây từ vựa trái cây Lái Thiêu Nam Bộ như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... hoặc một số loại cây của núi rừng miền Trung như: sim, mua, chà là, tà vạt, tr’đin... Đặc biệt, “rừng” mít gần 4.000 cây trên diện tích 2 ha đã cho thu hoạch vài ba năm nay.
4 điểm đến này, theo thứ tự ngược lên thượng nguồn là Ngầm Đôi, Suối Hoa, Hòa Phú Thành và Lái Thiêu. Trừ Khu du lịch Ngầm Đôi đã bị “xóa sổ”, sáp nhập vào một khu du lịch khác, 3 địa chỉ còn lại, nhất là Khu du lịch Suối Hoa, vẫn nằm trong danh sách những điểm đến để du khách lựa chọn khi muốn tìm những cảnh sắc thiên nhiên sơn kỳ thủy tú sau những tháng ngày tất bật với công việc.

“Vỉa quặng” văn hóa trong hồ sơ điểm đến
Tính đến đầu tháng 10/2019, trên địa bàn huyện Hòa Vang có 1.318 đồng bào Cơ-tu sinh sống tại thôn Phú Túc thuộc xã Hòa Phú và hai Tà Lang, Giàn Bí thuộc xã Hòa Bắc. Đây là cơ sở để Hòa Vang triển khai các hoạt động phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ-tu tại hai xã này.
Khu du lịch Suối Hoa đã thay chủ mới được một năm nay, giám đốc điều hành Huỳnh Tấn Pháp cho biết đơn vị đang nỗ lực làm mới mình bằng các hoạt động văn hóa dân tộc Cơ-tu. Trong đó, Trại sáng tác điêu khắc tượng gỗ người Cơ-tu Hòa Vang được tổ chức tại đây vào hạ tuần tháng 4 năm 2019 đã cho một kết quả rất khả quan. Tác phẩm và tên các nghệ nhân dự trại được vinh danh vĩnh viễn tại khu Công viên Vườn tượng của Suối Hoa. Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân nhận định: “Đây là điểm nhấn mà tất cả chúng ta mong muốn tạo ra để giới thiệu với đông đảo công chúng trong nước và quốc tế hiểu và thêm yêu hơn một dân tộc anh em và cũng là một tộc người có bản sắc văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc”.

Chia sẻ với khách ở nội thành lên thăm Suối Hoa hôm 20/10 vừa rồi, anh Phát “bật mí” rằng đơn vị đang nhờ nghệ nhân Alăng Đợi và các cộng sự người Cơ-tu đến từ huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, tiếp tục dựng 6-7 nhà Moong lợp bằng lá nón và một nhà Gươl trong Công viên Vườn tượng để xây dựng mô hình làng Cơ-tu cổ nhằm phục vụ cho việc tham quan và trải nghiệm của du khách.
Cũng trên cơ sở văn hóa dân tộc Cơ-tu, đầu tháng 10 vừa qua, UBND huyện Hòa Vang tổ chức khai trương Điểm du lịch cộng đồng thôn Tà Lang - Giàn Bí giai đoạn 1 với những hạng mục cơ bản, sẵn sàng phục vụ du khách trong thời gian tới. Anh Đinh Văn Như - Bí thư kiêm trưởng thôn Giàn Bí, Tổ trưởng Tổ hợp tác du lịch sinh thái cộng đồng và homestay tại điểm đến này cho biết, mô hình đã được triển khai thử nghiệm ở Hòa Bắc từ cuối năm 2017 với 3 nhóm phục vụ du lịch. Hơn nửa năm sau đội ngũ này đã tăng lên 8 nhóm gồm: cồng chiêng, văn nghệ, ẩm thực, trekking (du lịch mạo hiểm dã ngoại), đan lát, hát lý, dệt thổ cẩm, thuyết minh. 62 hộ dân địa phương tham gia vào đội ngũ này là cơ sở để tiến đến thành lập tổ hợp tác.

Để đưa điểm du lịch non trẻ này vượt ra ngoài “lũy tre làng”, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng cho biết tại lễ khai trương, rằng huyện hợp đồng với ông Dương Minh Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty Tư vấn Phát triển Du lịch CBT, một chuyên gia về phát triển du lịch cộng đồng để tư vấn từ việc xây dựng, kiến trúc, kỹ năng, thiết kế các sản phẩm đến việc kết nối, hỗ trợ về nguồn khách du lịch cho Hòa Bắc.
Trả lời báo giới tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, nhấn mạnh: “Thời gian qua, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố nhiều nội dung, đề án về phát triển du lịch sinh thái cũng như du lịch cộng đồng, đặc biệt tại huyện Hòa Vang. Với mục tiêu là gắn người dân tham gia cùng phát triển du lịch và hướng tới việc mỗi người dân là những đại sứ, sứ giả của ngành du lịch để xây dựng môi trường du lịch của thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh và thân thiện”.

Du lịch sinh thái và phát triển xã hội
Thực ra, nói về du lịch sinh thái ở Đà Nẵng, còn phải kể đến số điểm đến khác như Suối Lương – tên một con suối dài và đẹp chảy dưới chân đèo Hải Vân. Với rừng cây bao bọc, nơi đây có cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, trong lành, rất thích hợp cho các hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, tham quan, mua quà lưu niệm…
Cách Suối Lương 200m về phía Bắc là Khu du lịch sinh thái Thủy Vân Sơn. Nơi đây phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, có tiếng suối reo róc rách, tiếng chim gợi không gian miền sơn cước... Đặc biệt, đứng ở đây còn có thể ngắm toàn cảnh vịnh Đà Nẵng từ trên cao...
Du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những sản phẩm có “sức hút” mạnh không chỉ đối với khách du lịch quốc tế mà với ngay cả khách nội địa. Sở Du lịch thành phố đang phối hợp với các địa phương triển khai đề án phát triển loại hình du lịch này nhằm thu hút khách nước ngoài, nhất là khách đến từ châu Âu.


Để phát triển du lịch sinh thái phải có sự song hành bền vững giữa thiên nhiên và văn hóa bản địa. Phép cộng giữa hai thành tố này chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ đòi hỏi phải gắn du lịch sinh thái với giáo dục môi trường và nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng tại địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa để cùng tham gia bảo tồn, phát huy hiệu quả các địa chỉ văn hóa, các nghề truyền thống,... sẽ góp phần làm cho du lịch sinh thái phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho người dân, địa phương và doanh nghiệp.Với huyện Hòa Vang, để tăng thêm “vây cánh” cho du lịch sinh thái cộng đồng, ông Bùi Nam Dũng cho biết địa phương sẽ từng bước phát triển các sản phẩm quà tặng lưu niệm đặc trưng của huyện song song với công tác bảo tồn, khôi phục một số nghề truyền thống, lễ hội để phục vụ du lịch (thổ cẩm, chiếu cói, một số lễ hội của đồng bào Cơ-tu như mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa...).



Để phát triển du lịch sinh thái phải có sự song hành bền vững giữa thiên nhiên và văn hóa bản địa. Phép cộng giữa hai thành tố này chỉ mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ đòi hỏi phải gắn du lịch sinh thái với giáo dục môi trường và nhất thiết phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng tại địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa để cùng tham gia bảo tồn, phát huy hiệu quả các địa chỉ văn hóa, các nghề truyền thống,... sẽ góp phần làm cho du lịch sinh thái phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho người dân, địa phương và doanh nghiệp.
Văn Thành Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét