Chủ Nhật, 15 tháng 3, 2020

CHỢ HÀN


Tôi cùng Vy, cô bạn Việt kiều, chen chúc giữa dòng người vào chợ. Những ngày cuối năm, mọi thứ đều hối hả và tất bật. Và khu chợ này cũng vậy.  Lúc này, dọc lối đi chính, những gian hàng đặc sản: bò rim, mực, cá khô... đã đông nghịt người. Sắp Tết nên ở đây dường như nhộn nhịp hơn cả. Cá, mực khô làm quà biếu Tết, khay bánh mứt mời khách mấy ngày Xuân hay chút trà thơm cho đêm cúng giao thừa..., tất thảy đều có thể tìm được ở góc chợ này. Kéo tay tôi về phía khu ẩm thực, Vy nháy mắt "Làm ly chè trước đã chớ ta thèm quá". "Thèm" là từ mà tôi nghe Vy nói nhiều nhất trong đợt về thăm quê lần này. Vy thèm tất cả mọi đồ ăn, thức uống ở Đà Nẵng. Và vì "thèm" mà sáng nay, Vy nhất quyết đòi tôi chở đi chợ Hàn để mua cho bằng được ít hủ mắm Dì Cẩn. Nhỏ bạn tôi kể, ở bên đó nhiều khi nhớ quay quắt vị mắm quê nhà, vậy nên tranh thủ dịp này phải ăn cho "đã".




"Hai đứa ăn chi, ngồi đi, chỗ cô chi cũng có". Vừa chào chúng tôi, cô bán chè vừa thoăn thoắt múc chè cho khách. Đã lâu tôi không ghé lại hàng chè của cô nhưng cảm giác vẫn rất thân thuộc. Vẫn là chiếc tủ gương trong suốt với những tô chè lớn đầy màu sắc; vẫn là những băng ghế gỗ dài được sử dụng làm chỗ ngồi cho khách, khác chăng là thực đơn quán đã được bổ sung những món mới "thời thượng": chè sâm bổ lượng, chè Thái... và trên thực đơn ngoài tiếng Việt, đã có thêm tiếng Anh, tiếng Hàn... Ngay cạnh tôi, một gia đình người Nhật đang phân vân chọn món. Cô bán chè lúc này đã ngơi tay, sau câu chào bằng tiếng Nhật, cô lại đứng bên cạnh "tư vấn" bằng tiếng.... Anh. Bằng vốn từ ít ỏi của mình cộng với việc thể hiện ngôn ngữ hình thể đến mức tối đa cuối cùng cô cũng giúp cho cặp vợ chồng chọn được món chè ưng ý. "Cô nói tiếng Anh siêu rứa". Nghe nhỏ bạn tôi khen, cô cười hì hì "Tụi bây cứ chọc cô, rứa mà giỏi chi, mấy bà trên lầu bả nói ro ro nghe đã tai lắm". "Mấy bà trên lầu" mà cô nói đến ở đây là mấy cô bán hàng ở tầng trên. Chợ Hàn xưa nay đều có hai tầng. Nếu ở tầng trệt là các gian hàng bán đồ đặc sản, khu ẩm thực phục vụ ăn uống và khu chợ bán đồ tươi sống thì tầng hai lại là chuỗi các kiot bán các mặt hàng may mặc, túi xách, giày dép, hàng lưu niệm... là nơi mua sắm, tham quan yêu thích của khách du lịch khi đến chợ. Lần theo những bậc cầu thang, bước lên lầu, cảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là rất đông khách du lịch ngoại quốc đang có mặt tại đây: Châu Âu có, Châu Á có, có cả vài người khách châu Phi. Nhưng đông nhất vẫn là khách Hàn Quốc. Khắp nơi vang lên những thanh âm đặc trưng của tiếng Hàn. Với kinh nghiệm xem phim Hàn Quốc mấy chục năm nay tôi cũng nghe được một vài câu quen thuộc như: An-nyong (xin chào), An-nyong-ha-sê-yo (chào bạn), An-nyơng-hi ga-se-yô (tạm biệt). Và vốn tiếng Hàn của tôi cũng chỉ dừng tại đó. Vậy nên tôi chỉ biết há hốc miệng khi nghe mà các cô bán hàng ở đây "bắn" tiếng Hàn Quốc như tiếng bản địa. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, một chị cười đon đả: "Trước đây khách Trung Quốc đông bọn chị học tiếng Trung, bây giờ khách Hàn lại nhiều hơn nên bọn chị là chuyển qua học tiếng Hàn". Vậy ra tôi lạc hậu quá, các cô bán hàng ở quê tôi giờ đây không chỉ biết mỗi "răng, rứa, chi, mô" mà còn thông thạo cả "Anh, Pháp, Hàn, Nhật".




Dạo một vòng, tôi và Vy bị thu hút bởi những kiot bán vải. Thật ra thì những kiot này đã có từ rất lâu, những xấp vải may đồng phục quần xanh áo trắng cho đến chiếc áo dài của tôi thuở còn đi học đều xuất phát từ những kiot như thế này. Tuy nhiên, không biết từ bao giờ, chúng đã đồng loạt chuyển sang bán vải áo dài. Vải áo dài đủ màu đủ sắc, đủ họa tiết, hoa văn được treo kín suốt mấy chục kiot. Chỉ nhìn cũng khiến tôi hoa cả mắt. Có cả những bộ áo dài đã được may sẵn, cho phụ nữ có, đàn ông có, người lớn có và cho cả trẻ em. Đáng chú ý hơn cả là những tấm bảng quảng cáo về dịch vụ may áo dài "lấy ngay" chỉ trong vòng một tiếng. Khách muốn may áo dài chẳng phải chờ dăm bữa nửa tháng như thường tình, giờ đây họ nhận ngay một bộ áo dài được may với đúng số đo của mình chỉ sau một giờ dạo quanh chợ. Lượng khách mua và may áo dài có vẻ rất đông và đa phần là khách du lịch nước ngoài. Dường như việc được khoát lên mình chiếc áo dài, được trải nghiệm văn hóa bản địa khiến họ rất thích thú.




Rời chợ Hàn, lòng tôi lâng lâng những cảm xúc rất lạ. Với tôi, bao nhiêu năm qua chợ Hàn vẫn vậy. Dẫu có đông đúc hơn, có xô bồ hơn thì chợ Hàn vẫn luôn bình dị, thân quen với những sạp trái cây đầy ắp, những hàng hoa tươi be bé san sát nhau. Vẫn còn đó, nụ cười chân tình của cô bán chè, lời mời quen thuộc của bà lão ngồi ngay lối lên cầu thang với cái cân và đôi ba thứ nho nhỏ... Nhưng câu chuyện về những người tiểu thương nói tiếng nước ngoài "ro ro" hay những chiếc áo dài may trong một giờ lại giúp tôi cảm nhận được sự chuyển mình, sự thay đổi một cách rõ rệt của nơi mà tôi đang sống. Nơi mà những khu chợ bình dị trong tâm tưởng tôi đang đổi thay từng ngày.  

Thảo Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét