Một
chuyến đi chẳng thể khiến cuộc đời hoàn toàn thay đổi, nhưng việc bước ra ngoài
“vùng mặc định”, thả lỏng các giác quan và cảm xúc, trải nghiệm những liệu pháp
cân bằng là cách để con người ta sống chậm lại, thanh lọc và làm mới chính
mình…
Thời gian gần đây, ngành du lịch thế giới đang có sự biến
đổi nhanh chóng qua từng năm cả về loại hình, sản phẩm lẫn cách thức lựa chọn,
tiêu dùng trong du lịch. Theo dự báo của các chuyên gia,
du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, làm đẹp sẽ trở thành xu hướng “thống lĩnh”
trong vài năm tới. Một thông kê của Viện Sức khỏe Toàn cầu (Global Wellnes
Institute) cho thấy: Nguồn thu từ du lịch
nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe sẽ tăng gấp đôi so với du lịch truyền thống và dự
kiến đạt hơn 900 tỷ đô vào năm 2022, đóng góp 18% tỷ trọng du lịch toàn cầu.
“Wellness travel” - cụm
từ đang được tìm kiếm liên tục trên Google, là loại hình du lịch nghỉ dưỡng kết
hợp chăm sóc sức khỏe, giúp du khách tìm lại sự cân bằng cả về thể chất lẫn
tinh thần. Cụ thể, khi tham gia một kỳ nghỉ, du khách sẽ được hòa mình thư thái
giữa thiên nhiên, tận hưởng các liệu pháp về sức khỏe như thiền, yoga, message
và chế độ ăn uống riêng biệt, lành mạnh hàng ngày, giúp thải độc, thanh lọc cơ
thể. Loại hình này đòi hỏi khách hàng có mức chi tiêu cao với những dịch vụ
chuyên biệt. Trên thế giới, du lịch “wellness” đang có mức tăng trưởng ấn tượng,
không còn là xu hướng đầu tư ngắn hạn mà đã trở thành định hướng tư duy phát
triển dài hạn trong kinh doanh. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đã sớm nắm bắt
được xu hướng này, nhanh chóng đón đầu, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên
hiệu quả, ưu tiên yếu tố sức khỏe để thu hút khách và đã tạo nên được sự khác
biệt trên thị trường.
Du lịch chậm
Một sự dịch chuyển khá
thú vị đang diễn ra trên khắp thế giới. Từ nhu cầu đi du lịch nhanh, thuận tiện
với các phương tiện hiện đại, nhiều du khách đang dần chọn lựa những hành trình
mộc mạc, thuần khiết, thả lỏng cho toàn bộ chuyến đi, như việc đạp xe vòng
quanh các châu lục. Họ “cancel” với nhiều kế hoạch, tạm dừng mọi mối bận tâm, tới
các nông trại, ở lại và làm việc tại đó. Buổi sáng thức dậy tập yoga, thiền, chạy
bộ, nấu nướng với người bản địa. Kinh phí cho những tour du lịch trải nghiệm
này cao hơn các tour bình thường, song ngày càng có nhiều người mong muốn tham
gia, nhất là những người đã đi làm, hoặc ở độ tuổi trung niên. Đó là lý do vì
sao doanh thu phần du lịch chậm trong hai năm vừa qua tăng trưởng rất nhanh.
Tham gia khóa Yoga Tịnh tâm tại Aleenta Phuket Phang Nga, Phuket (Thái Lan), du khách được đưa đến bãi biển thơ mộng Natai và người sáng lập bộ môn yoga tinh thần Thielenmann sẽ khuyến khích học viên nạp năng lượng và đối mặt với thử thách khó khăn trong cuộc sống bằng 4 phương pháp: chống lão hóa, giải độc tố, tối ưu trọng thể và cân bằng tinh thần; Liệu trình “Vana Malaysia Estate” tại Uttarakhand, Ấn Độ kết hợp yếu tố con người và tâm linh, nơi du khách được rèn luyện cách nuôi dưỡng tâm hồn thuần khiết, tập trung nội lực, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện. Tất cả mọi căng thẳng, áp lực cuộc sống được rũ bỏ; Kết hợp hoạt động dã ngoại và chữa bệnh theo phương pháp Đông - Tây Y nhằm khám phá ý nghĩa sâu sắc của cuộc sống từ các bài giảng của người dân địa phương là điểm thu hút đặc biệt của khóa học “Sunrise Springs Integrative Wellness”, New Mexico…Có rất nhiều hoạt động du lịch sức khỏe đã và đang được chú trọng trên toàn thế giới. Có thể nói, đây là loại hình du lịch thấu hiểu hơn hết nhu cầu của con người trong xã hội hiện đại. Lối sống nhanh, liên tục với rất nhiều áp lực nảy sinh thường ngày đòi hỏi những giải pháp để trung hòa và cân bằng lại. Đi thật xa, đắm mình giữa những khung cảnh thiên nhiên và nền văn hóa mới mẻ, cảm nhận mọi thứ xung quanh thật chậm rãi, thư thái, du lịch sức khỏe ra đời chính là để đón đợi và thỏa mãn những mong đợi đó của mỗi người.
Du
lịch lưu giữ thanh xuân
Khóa thiền định dưới nước
ở Amanbagh, Rajasthan, Ấn Độ thường diễn ra từ đầu đến giữa năm, với thời gian mỗi
khóa là 21 ngày. Đây là một liệu trình du lịch sức khỏe đẳng cấp áp dụng mô
hình chống lão hóa được kế thừa từ phương pháp làm đẹp Ayurveda của Ấn Độ từ
5000 năm trước. Mỗi khách du lịch sẽ được một chuyên viên chăm sóc sức khỏe
riêng biệt hướng dẫn các bước trị liệu gồm giải độc cơ thể, thanh lọc và áp dụng
chế độ ăn uống phù hợp, tập yoga, thiền định tại một ngôi chùa nằm sâu trong hẻm
núi được xây dựng từ thế kỷ 17. Khóa thiền này có giá hơn 6000 đô-la, được xếp
vào hàng du lịch xa xỉ nhưng được rất nhiều phụ nữ lựa chọn để giúp cơ thể được
phục hồi từ sâu bên trong, trở nên khỏe mạnh và dẻo dai hơn cùng làn da được trẻ
hóa. Những tour được thiết kế riêng dành cho phụ nữ trong 1 năm vừa qua tăng
cao so với các tour khác, và được dự đoán sẽ trở thành nguồn cảm hứng mới mẻ của
du lịch trong vòng 3-5 năm đến. Xu hướng này đang rất thịnh hành ở Nhật và
Singapore, những đất nước có dân số già và mạnh về kinh tế. Đặc biệt những người
phụ nữ đã cống hiến rất nhiều cho công việc hay vất vả chăm lo gia đình càng có
nhu cầu muốn được đi để cải thiện sức khỏe, tận hưởng niềm vui, hạnh phúc, tìm
lại thanh xuân.
Du lịch giảm cân cũng
đang được xem là loại hình du lịch độc đáo, phù hợp với những điểm đến vừa có
núi, biển…Không chỉ đơn thuần là thực hiện chế độ ăn kiêng ở một khu nghỉ dưỡng,
du khách tham gia tour sẽ được huấn luyện viên hướng dẫn các bài tập vận động
như chạy bộ trên bãi biển, bơi lội, leo núi…Trên thế giới hiện nay, có những
tour cho các khách trung niên được thiết kế với nội dung rất “cool” và hấp dẫn,
bởi đây là nhóm khách có khả năng chi trả cao và nhu cầu được chia sẻ, trải
nghiệm, tận hưởng mạnh. Khỏe, đẹp, vui vẻ là tất cả là những gì mà họ tìm kiếm
với mỗi chuyến đi. Vì thế, việc phát triển các loại hình dịch vụ gần gũi và tập
trung hơn trong việc phục vụ nhóm đối tượng lớn tuổi cũng như phụ nữ đang dần
trở thành xu thế tiềm năng để khai thác và mở rộng thị trường.
Du
lịch khơi nguồn cảm hứng
Ở Nhật Bản, một số công
ty, tập đoàn cố gắng tạo ra khuôn viên rừng ngay trong tòa nhà để các nhân viên
của họ có thể tranh thủ tận hưởng cảm giác tắm rừng, đắm mình giữa thiên nhiên.
Kiểu thư giãn này đang rất “hot” tại Tokyo. Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo công ty
thiết kế những chương trình cho nhân viên được làm việc ở bất cứ đâu, làm việc song
hành với đi chu du, thăm thú, giải trí, trải nghiệm. Bởi họ tin rằng, đó chính
là cách khiến nhân viên sáng tạo không ngừng và mang đến những kết quả mới mẻ,
đột phá trong công việc. Sức khỏe phòng bệnh cũng đang là yếu tố được rất nhiều
công ty quan tâm hiện nay. Thay vì vắt kiệt sức ở văn phòng, thì việc để nhân
viên làm việc bên ngoài là một giải pháp đầy “nhân văn” và khôn ngoan. Làm việc
gắn với du lịch (hay còn gọi là du lịch làm việc trực tuyến) đang là “trend” của top 100 công ty lớn nhất
thế giới. Xu thế này đang tác động khá mạnh mẽ đến việc mở rộng dịch vụ của các
cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó bao gồm cả việc du khách được tạo không gian
làm việc lý tưởng ở nơi nghỉ dưỡng, cũng như tham gia các hoạt động nhằm tái tạo
năng lượng, khơi nguồn cảm hứng mới. Điều này cũng kéo theo sự phát triển của
loại hình du lịch gắn với khoa học, giáo dục, học thuật và tình nguyện. Một số
quốc gia đã đưa xu hướng du lịch này vào chương trình hành động quốc gia tầm
nhìn dài hạn như: Thái Lan, Indonesia, Nam Phi, Nepal…
Cơ
hội cho Đà Nẵng
Nếu năm 2013, du lịch
wellness có mặt ở 63 quốc gia thì 5 năm sau, con số này là hơn 100 quốc gia.
Riêng ở châu Á, đã có trên 270 triệu chuyến du lịch chăm sóc sức khỏe được diễn
ra. Việt Nam với hệ thiên nhiên, sinh thái đa dạng đang có tiềm năng phát triển
mạnh mẽ xu hướng mới này. Trong số đó, Hội An, thành phố kế cận Đà Nẵng được
đánh giá cao với các yếu tố phù hợp tính chất của du lịch “Wellness”, lọt vào
nhóm 10 thành phố du lịch tốt nhất thế giới về lĩnh vực này tại châu Á. Gần đây
nhất, Postmedia - mạng lưới nhật báo lớn nhất Canada cũng vừa đưa ra nhận định,
Đà Nẵng và Nha Trang là hai điểm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe nổi bật ở
Việt Nam. Bờ biển miền Trung Việt Nam đã sẵn sàng trở thành điểm đến chăm sóc sức
khỏe lớn tiếp theo của châu Á.
Đánh giá về tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, các chuyên gia đều nhận định, thiên nhiên Đà Nẵng có đầy đủ tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch này. Ngành du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe ở Đà Nẵng đang phát triển nhanh, với sự xuất hiện của nhiều khu nghỉ dưỡng kết hợp spa, yoga, thiền, chạy bộ…Tuy nhiên, có thể thấy loại hình này vẫn chưa thật sự phát triển bài bản. Phần lớn các sản phẩm du lịch sức khỏe thời gian qua chủ yếu do các đơn vị nghỉ dưỡng cung cấp tại chỗ. Một số tour du lịch chuyên biệt cũng mới chỉ phát triển manh mún, chưa có sự liên kết, đồng bộ giữa các điểm đến để mang lại trải nghiệm thật sự khó quên cho du khách. Cũng chưa có những đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định chất lượng những tour du lịch này. Do vậy, để tiếp tục thu hút phải có sự đầu tư chuyên nghiệp, hướng mạnh vào trải nghiệm của du khách, tăng cường các dịch vụ chất lượng cao. Bên cạnh đó, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng đòi hỏi đội ngũ phục vụ chuyên biệt và chuyên nghiệp hơn, cho nên để bảo đảm cung ứng chất lượng dịch vụ tốt, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng phù hợp.
An Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét