Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

ĐI TÌM LỜI GIẢI CHO BÀI TOÁN NHÂN LỰC DU LỊCH


Những con số biết nói
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu tích cực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Tốc độ tăng trưởng trung bình của lượng khách hàng năm trong giai đoạn 2011 - 2017 là 20.97%. Năm 2018, tổng lượng khách tham quan du lịch đến Đà Nẵng đạt 7.600 nghìn lượt, tăng 15.5% so với năm 2017. Tổng doanh thu du lịch đạt 24.060 tỷ đồng, tăng 23.3% so với cùng kỳ năm 2017. Trên địa bàn thành phố hiện có 793 cơ sở lưu trú du lịch với 35.881 phòng, 331 công ty lữ hành, 9 khu điểm du lịch, hơn 3.300 xe vận chuyển du lịch. Sự gia tăng mạnh về số lượng khách và cơ sở hạ tầng của các dịch vụ du lịch đòi hỏi nguồn nhân lực Du lịch tại Đà Nẵng phải phát triển tương ứng về cả chất lượng và số lượng.


Tính đến cuối năm 2018, nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn thành phố ước tính đạt 43.614 lao động, tăng 21.7% (tương đương 7.779 người) so với năm 2017. Trong đó, khối khách sạn có 22.121 lao động, khối nhà hàng 7.480 lao động, khối lữ hành 1.605 lao động, các khu, điểm du lịch có 2.450 lao động, đơn vị vận chuyển du lịch 3.126 lao động, cơ sở mua sắm phục vụ khách du lịch 1.500 lao động, hướng dẫn viên 4.384 lao động, giảng viên tại các cơ sở đào tạo nghề du lịch 670 lao động, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch 278 lao động. Dự báo đến năm 2020, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 8.90 - 9.35 triệu khách, đồng thời dự kiến sẽ có 920 cơ sở lưu trú du lịch với 45.631 phòng (mỗi năm tăng từ 3.000 đến 3.500 phòng) cùng với hàng loạt căn hộ - khách sạn (condotel) hoàn thành và đưa vào hoạt động, mỗi năm ước tăng gần 6.000 phòng, cần khoảng 4.000 nhân sự khách sạn mỗi năm.
            Nhìn vào những con số, chúng ta dễ dàng nhận ra sự thiếu hụt về số lượng đối với nguồn nhân lực ngành du lịch Đà Nẵng. Theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ngoài việc thiếu đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, thì đội ngũ đầu bếp, phục vụ buồng phòng, nhân viên bàn, lễ tân cũng đang còn khan hiếm. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết hiện các trường đào tạo nghề về du lịch tại Đà Nẵng chỉ cung cấp mỗi năm chưa tới 1.000 người (bằng 1/5 nhu cầu thực). Kết quả khảo sát đánh giá nguồn nhân lực Du lịch năm 2017 cho thấy đội ngũ lao động làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch chỉ đáp ứng được từ 65% yêu cầu công việc trên 3 lĩnh vực chính là cơ sở lưu trú, lữ hành và nhà hàng. Tỷ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về du lịch còn thấp, chiếm 40,6% số lao động toàn ngành. Có 90% lực lượng lao động du lịch được đào tạo ngoại ngữ, nhưng chủ yếu trình độ A, B, đặc biệt thiếu trầm trọng đội ngũ biết ngôn ngữ Nhật, Đức, Nga... 

Đâu là giải pháp?
Thực trạng nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu là điều mọi người đều thấy được, việc đưa ra các chính sách, giải pháp cũng đã được nghiên cứu, ban hành từ nhiều năm nay. Nhưng bước quan trọng nhất, có tính chất quyết định nhất là bước thực hiện lại chưa đem lại hiệu quả thật sự. Để chấm dứt cơ chế đào tạo "thời vụ", giải quyết bài toán "cung, cầu" đối với nguồn nhân lực du lịch một cách triệt để thì sự phối hợp chặt chẽ của liên kết "3 bên": Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Về phía cơ quan quản lý, trước tiên cần có sự phối kết hợp giữa các bộ phận liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch để cùng thống nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quản lý và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Bao gồm xây dựng mới, ban hành và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đào tạo du lịch liên quan đến các cơ sở đào tạo du lịch, các hình thức đào tạo du lịch, tuyển dụng và sử dụng lao động du lịch trên địa bàn. Những quy định này sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng của công tác đào tạo cũng như quy trình tuyển dụng, sử dụng lao động đã qua đào tạo. Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn chức danh quản lý nghiệp vụ, làm cơ sở cho việc đào tạo và sử dụng nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch theo chuẩn của khu vực và quốc tế. Cần xây dựng hệ thống dữ liệu về nguồn nhân lực du lịch thành phố, bao gồm các số liệu, tình trạng nguồn nhân lực hiện tại và dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch trong những năm đến, để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cập nhật thông tin, tra cứu. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch với những định hướng, mục tiêu, lộ trình và giải pháp phát triển nhân lực du lịch phù hợp. Theo đó, ngành Du lịch phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan xây dựng chiến lược phát triển nhân lực du lịch gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược phát triển nhân lực của cả thành phố. Nghiên cứu, dự báo về xu hướng phát triển ngành du lịch, từ đó có những dự báo, định hướng phát triển nguồn nhân lực du lịch gồm: số lượng, cơ cấu, trình độ đào tạo; số lượng và cơ cấu các loại hình đào tạo. Tăng cường vai trò của Hiệp hội Du lịch: tăng số lượng các thành viên đóng vai trò hạt nhân; xây dựng mối quan hệ cộng đồng nghề nghiệp, các thành viên có thể trao đổi với nhau về kinh nghiệm quản lý, phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch. 


Từ phía các doanh nghiệp, cần triển khai mô hình liên kết, "đặt hàng" đào tạo với các cơ sở đào tạo, chấm dứt tình trạng thụ động, trông chờ vào nguồn nhân lực sẵn có để tuyển dụng. Các doanh nghiệp cũng cần chuyên nghiệp hóa công tác quản trị nhân sự trong tất cả các khâu: tuyển dụng, bố trí công việc, đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc, các chế độ đãi ngộ, phúc lợi, xây dựng kỷ luật lao động, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá kết quả công tác của người lao động.
            Cuối cùng nhưng lại là thành phần quan trọng nhất trong mối liên kết "3 bên" đó là các cơ sở đào tạo. Hiện tại, việc sử dụng doanh nghiệp như một đối tác trong việc đào tạo nguồn nhân lực đã và đang trở thành xu hướng, mở ra nhiều thành công mới cho công tác đào tạo của các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp trên địa bàn thành phố. Với hướng liên kết này, các cơ sở đào tạo có thể sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ chuyên gia, nhân viên tại các doanh nghiệp du lịch thành các giảng viên thỉnh giảng, cán bộ hướng dẫn thực hành, thực tập cho sinh viên. Việc này sẽ giúp cho các cơ sở đào tạo chủ động được đội ngũ giảng viên có chất lượng, và các doanh nghiệp cũng có cơ hội truyền đạt kinh nghiệm với sinh viên khi tham gia vào quá trình đào tạo. Các cơ sở đào tạo cũng có thể liên kết với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch về các cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên. Điều này không chỉ giúp các trường chủ động được địa điểm thực tập, hạn chế đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thực hành cho sinh viên mà còn giúp các doanh nghiệp chủ động tuyển dụng được nguồn lao động phù hợp với yêu cầu từ nguồn sinh viên thực tập đạt chất lượng. Các cơ sở đào tạo cũng nên chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đơn vị cung ứng lao động, các doanh nghiệp với hình thức đào tạo theo "đơn đặt hàng" của các doanh nghiệp sử dụng lao động. Sự liên kết này không chỉ mang tính chặt chẽ, toàn diện mà còn là một trong những giải pháp hàng đầu để giải quyết bài toán cung cầu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay.


Tháng 8 vừa qua, Trường đại học Duy Tân tổ chức ra mắt Viện Đào tạo và Nghiên cứu du lịch, với chức năng tập trung đào tạo phát triển toàn diện về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và ngoại ngữ chuyên sâu, giúp sinh viên năng động, tự tin hội nhập với môi trường quốc tế. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chất lượng cao PSU được chuyển giao từ các trường đại học trong khu vực và thế giới sẽ mang lại cho sinh viên cơ hội có việc làm tốt, với các chuyên ngành du lịch chuẩn quốc tế. Kỳ vọng sẽ có trên 98% sinh viên ra trường có việc làm ổn định. Viện cũng tạo cơ hội cho sinh viên Việt Nam có cơ hội được học tập, nghiên cứu trong môi trường giáo dục quốc tế uy tín và hiện đại. Ngoài các chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam với Hàn Quốc, Thái-lan, Malaysia... chương trình hành trình ASEAN 4.0 và chương trình thực tập ngành Du lịch và Khách sạn của Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông - Nam Á (SEAMEO), do Trường đại học Duy Tân phát động sẽ đưa sinh viên Việt Nam tham gia thực tập và làm việc tại các quốc gia trong khu vực Đông - Nam Á, gia nhập vào thị trường lao động chất lượng cao của khu vực.

                                                                                              Th.S Lê Bách Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét